Mới đây, Tập đoàn De Heus Việt Nam và Viện Nghiên cứu ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã có buổi làm việc nhằm chuẩn bị các công tác triển khai dự án xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn gắn liền với mô hình Hợp tác xã (HTX) tại các tỉnh Tây Nguyên.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, giám đốc đối ngoại Tập đoàn De Heus Việt Nam, với 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi, trung bình mỗi năm, De Heus cần khoảng 1,2 triệu tấn ngô, tương ứng diện tích trồng ngô khoảng 100.000ha.
Ngoài De Heus, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khác trong nước cũng có nhu cầu rất lớn về ngô nguyên liệu, đậu tương... Do nguồn nguyên liệu trong nước hiện không đáp ứng đủ nên các doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí để nhập khẩu ngô từ nước ngoài.
Hiện tại, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu tương, lúa mì, bột cá… đang ở mức cao và có dấu hiệu bất ổn về nguồn cung.
Đơn cử Pháp, nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất EU đang đối mặt với hạn hán làm sụt giảm sản lượng khoảng 18,5% so với năm 2021. 2 thị trường Argentina và Brazil, nơi Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn nhất cũng đang gặp những vấn đề về thời tiết. Trong khi đó, nhiều địa phương ở nước ta hoàn toàn có thế mạnh để phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung và sản phẩm ngô nói riêng.
Nhu cầu ngô nguyên liệu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày thiếu hụt do ngô ngoài là thức ăn cho người, thức ăn chăn nuôi, còn được sử dụng làm xăng sinh học. Cùng với biến đổi khí hậu, nguồn cung ngô nguyên liệu của thế giới đã đến ngưỡng tối đa.
Theo ông Hiếu, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại chiến lược phát triển thức ăn chăn nuôi nói chung và nguyên liệu ngô nói riêng để có thể đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, giảm phụ thuộc vào nguồn cung ngô nguyên liệu, tạo việc làm cho nông dân.
Về phía Viện Nghiên cứu ngô, ông Nguyễn Xuân Thắng - Viện trưởng cho biết, bên cạnh các giống ngô lấy hạt, cho năng suất cao, hiện nay Viện đang nghiên cứu các giống ngô sinh khối chuyên biệt, là những giống có thân to, năng suất cao, nhanh cho thu hoạch. Các giống ngô sinh khối này sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho các doanh nghiệp, trang trại, đồng thời giúp vật nuôi phát triển tốt.
Thực tế cho thấy, nguồn ngô sinh khối hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngành chăn nuôi. Vì vậy, ông Thắng nhấn mạnh cần phải xây dựng các vùng chuyên sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong quy hoạch cần xác định và duy trì sản xuất ngô tại các vùng có năng suất cao.
Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với Tổ chức phát triển HTX Hà Lan Agriterra xây dựng vùng ngô nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên cơ sở phát triển các HTX tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.
Trong xu hướng phát triển, Tập đoàn cũng bày tỏ mong muốn cùng chung tay với Bộ NNPTNT triển khai dự án để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời ổn định một phần nguồn cung ngô nguyên liệu cho doanh nghiệp...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tập đoàn De Heus phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi xây dựng các hợp tác xã trồng sắn và ngô tại các tỉnh Tây Nguyên để đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 8/2022 tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp, tháng 8/2022 tăng 24,4% so với tháng 7/2022 và tăng 44,3% so với tháng 8/2021, đạt 573,32 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 3,65 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 29,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Đứng thứ 2 là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 21%, đạt gần 766,74 triệu USD, tăng mạnh 96% so với cùng kỳ; Tiếp đến thị trường Mỹ trong tháng 8/2022 nhập khẩu tiếp tục tăng 1,2 % so với tháng 7/2022 nhưng giảm 11,6% so với tháng 8/2021, đạt 64,83 triệu USD. Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường EU trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 15,5% so với 8 tháng đầu năm 2021, đạt 315,5 triệu USD; Nhập từ thị trường Đông Nam Á tăng 3,2%, đạt 252,08 triệu USD. Nếu Việt Nam có thể tự chủ nguồn cung nguyên liệu chế biến sản xuất cho ngành thức ăn chăn nuôi, sẽ tự đảm bảo nguồn cung và mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân. |
Trang Thảo
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/cap-thiet-xay-dung-vung-nguyen-lieu-thuc-an-chan-nuoi-o-tay-nguyen-a711.html