Cụ thể, những quy định mới bao gồm nội dung hạn chế xuất khẩu một số loại chip sử dụng trong lĩnh vực siêu máy tính và siết chặt các quy định về bán thiết bị bán dẫn. Các quy định mới, một số trong đó có hiệu lực ngay lập tức, yêu cầu các nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ như KLA Corp, Lam Research và Applied Materials tạm dừng gửi thiết bị cho các nhà máy 100% thuộc sở hữu Trung Quốc sản xuất chip logic tiên tiến.
Hãng tin Reuters đánh giá loạt biện pháp mới trên có thể dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Mỹ đối với công nghệ vận chuyển sang Trung Quốc kể từ những năm 1990. “Ðiều này sẽ khiến Trung Quốc thụt lùi nhiều năm. Trung Quốc sẽ không từ bỏ sản xuất chip nhưng điều này thật sự sẽ khiến họ chậm lại”, ông Jim Lewis - chuyên gia công nghệ và an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ - nhận định.
Ảnh minh họa.
Ông Eric Sayers, chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết động thái trên phản ánh một nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm kiềm chế những tiến bộ công nghệ lõi của Trung Quốc.
Phản ứng trước biện pháp mới của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: Hành động của Mỹ đi ngược lại với nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng; tác động đến sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cũng như sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Sản xuất và xuất khẩu chất bán dẫn luôn là vấn đề cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khi cả 2 đều muốn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ lõi. Hồi tháng 8 vừa qua, Tổng thống Biden phê chuẩn Ðạo luật Khoa học và Chip (CHIPS) nhằm thúc đẩy ngành sản xuất chất bán dẫn nội địa và các ngành công nghệ cao mà giới lãnh đạo Mỹ lo ngại có thể bị Trung Quốc thống trị. Ðạo luật này cung cấp 52 tỉ USD trợ cấp cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn nội địa và hơn 100 tỉ USD trong 5 năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Minh Hà
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/bo-thuong-mai-my-siet-chat-xuat-khau-chip-ban-dan-a778.html