Lãnh đạo Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho biết, Công ty đã mất 3 năm đàm phán, thực hiện các thủ tục để có thể xuất khẩu đậu tương vào thị trường Mỹ. Đây là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) quy định.
Theo đơn đặt hàng, bình quân mỗi tháng Công ty xuất khẩu khoảng 20-30 tấn sang thị trường này.
Công nhân đang sơ chế đậu tương tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu. (Nguồn ảnh: Trường Sơn, baobacgiang.com.vn)
Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, Công ty liên kết với người dân xã Đông Phú, huyện Lục Nam và một số tỉnh lân cận trồng đậu tương. Doanh nghiệp cung cấp giống và cử cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn quy trình canh tác bảo đảm kỹ thuật.
Công ty cũng đầu tư dây chuyền sơ chế, bảo quản hiện đại nên sau khi loại bỏ vỏ, hạt đậu đều đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu của đối tác. Sản phẩm đến Mỹ được cung cấp cho các nhà máy chế biến sản phẩm có thành phần từ đậu tương.
Ngoài đậu tương, hiện doanh nghiệp có nhiều mặt hàng khác đang xuất khẩu sang châu Âu như: Vải thiều đông lạnh, ngô ngọt…
Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ năm 2019 chiếm 23,2%, năm 2020 chiếm 27,3%, năm 2021 chiếm 28,6%, 8 tháng năm 2022 chiếm 31%. Từ kết quả 8 tháng, có thể dự báo cả năm 2022, xuất khẩu sang Mỹ sẽ cán mốc 115 tỷ USD, chiếm 31% - cao hơn nhiều so với các thị trường lớn khác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...).
Xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng cao lên do xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng chung (năm 2020 tăng 25,7% so với 6,9%, năm 2021 tăng 24,9% so với 19%, 8 tháng 2022 tăng 24,5% so với 18,2%).
Thị trường Mỹ vẫn là điểm đến tiềm năng cho nông, lâm, thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội, tận dụng sáng tạo nguồn nông sản bản địa để xuất khẩu vào thị trường tỷ đô này.
Minh Hà
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/lo-dau-tuong-dau-tien-chinh-thuc-den-my-a835.html