Mỗi năm Việt Nam thải tới 3,1 triệu tấn chất thải nhựa
Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông nói riêng đang tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Vấn đề tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Theo hai báo cáo về: “Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam” và “Hướng tới một lộ trình quốc gia về nhựa dùng một lần tại Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố.
Nghiên cứu được nhóm chuyên gia WB thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021 về các loại chất thải nhựa rò rỉ ra sông và đại dương, và các sản phẩm trên thị trường có thể là lựa chọn thay thế phù hợp. Kết quả khảo sát thực địa các khu vực ven sông và ven biển cho thấy, chất thải nhựa chiếm tới 94% số lượng và 71% trọng lượng chất thải thu gom được.
Các sản phẩm nhựa dùng một lần (SUP) trong đó chiếm 62% tổng lượng chất thải nhựa (về số lượng). Túi nhựa và các mảnh vỡ từ túi, hộp đựng thức ăn bằng xốp và ống hút được xác định là các sản phẩm SUP xuất hiện nhiều nhất trong môi trường.
Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương mỗi năm. Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam cho biết lượng nhựa rò rỉ ra sông và biển có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 nếu quy trình thu gom, tái chế và xử lý chất thải như hiện nay không được cải thiện.
Giảm thiểu rác thải nhựa bằng công cụ chính sách
Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, tại điều 73 quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
Mặt khác, chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.
Việc Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ 25/8/2022. Dù chưa áp dụng xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn. Nhưng với việc ban hành Nghị định sẽ góp phần nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân nhằm thay đổi hành vi, lối sống và thói quen tiêu dùng của người dân.
Trong tháng 6/2022, Chính phủ Việt Nam cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Điều này không những sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường đồng thời còn biến rác thải nhựa thành những nguồn tài nguyên quý giá quay trở lại phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội./.
Minh Hà
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/bao-ve-moi-truong-can-co-lo-trinh-va-chinh-sach-sat-thuc-te-a850.html