Nghệ An phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi năm 2022

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 23 về việc tổ chức đợt phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi; Tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; phòng, chống hạn hán xâm nhập mặn.

thuy-loi-do-luong-3-20221016161553-1665980049-1665990184.jpeg

Nông dân huyện Đô Lương tham gia nạo vét kênh mương nội đồng

Năm nay, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến có nhiều bất lợi: Từ đầu vụ Hè thu, nhiều đợt nắng nóng gay gắt xảy ra với nền nhiệt độ cao phổ biến từ 37 – 40 độ C; Mực nước trên các sông suối ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10-70%, mực nước các hồ chứa giảm mạnh, tình hình thiếu nước cục bộ xảy ra ở một số địa phương.

Đến thời điểm này, Nghệ An đã chịu ảnh hưởng của các cơn bão: số 2, số 3 và các đợt mưa lớn, lượng mưa đo được ở thành phố Vinh là 418 mm, huyện Hưng Nguyên 270 mm, huyện Quỳnh Lưu 292 mm, huyện Nghĩa Đàn 375 mm (từ ngày 07/9-10/9/2022)... gây thiệt hại về mùa màng, cơ sở hạ tầng, dân sinh, kinh tế. Dự báo từ nay đến hết năm, có khoảng 2 - 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, đặc biệt có khả năng xảy ra bão và mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung trong các tháng cuối năm 2022.

Để thực hiện tốt Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đồng thời kịp thời khắc phục những hậu quả do hạn hán, mưa lũ gây ra, chủ động phòng chống lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất năm 2023, đảm bảo tiêu thoát nước cho đô thị, đặc biệt là thành phố Vinh và vùng phụ cận, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức phát động phong trào toàn dân ra quân làm thuỷ lợi, giao thông, nông thôn mới, tăng cường công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt và chống ngập úng ở đô thị từ ngày 01/10/2022 đến 31/12/2022 trên địa bàn toàn tỉnh.

UBND tỉnh giao Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc phối hợp với các Công ty TNHH Thủy lợi trên địa bàn tổ chức thực hiện tốt đợt phát động phong trào toàn dân ra quân làm thuỷ lợi, giao thông, nông thôn mới. Tăng cường công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt và chống ngập úng ở đô thị và tiếp tục quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiệu quả kinh tế của tưới, tiêu đối với cây công nghiệp, cây ăn quả, cây màu và nuôi trồng thuỷ sản. Kiên cố hoá kênh mương, chuẩn bị cơ sở hạ tầng thủy lợi, xây dựng nông thôn mới phục vụ tốt sản xuất, dân sinh.

Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, diễn biến mưa, lũ, mực nước trên các sông suối, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân để chủ động phòng tránh; sẵn sàng triển khai phương án để ứng phó với mưa lũ lớn; tổ chức kiểm tra, khắc phục hư hỏng các công trình đầu mối, các công trình và hệ thống công trình thuỷ lợi, nước sạch; hệ thống đê sông, đê biển, kè bờ do mưa lũ.

Các địa phương tổ chức nạo vét, sửa chữa các mương tiêu, trục tiêu xã, phường, khối, tổ dân cư để tiêu nước chống ngập úng và vệ sinh môi trường: Triển khai công tác nạo vét, cải tạo các hệ thống kênh mương thoát nước bị hư hỏng, tắc nghẽn. Có biện pháp bảo vệ hành lang và công trình tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố, thị xã; Kiểm tra các tuyến, các điểm có công trình, hệ thống gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ thống tiêu thoát nước như hệ thống cáp quang, viễn thông, điện lực...làm thủy lợi nội đồng, tu bổ nạo vét hệ thống kênh mương tưới, đắp bờ vùng, bờ thừa kết hợp tu bổ giao thông đồng ruộng. Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, nhất là kênh mương nội đồng. Tu sửa, chỉnh trang giao thông đồng ruộng.

do-luong-3-20220925115354-20221012100504-1665980307-1665990230.jpeg

Đoàn viên, thanh niên Nghệ An tích cực hưởng ứng ngày toàn dân ra quân làm thủy lợi

Chú trọng công tác phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ tưới cho cây trồng cạn như: đào đắp các hồ chứa, bể chứa nhỏ, giếng nước, phát triển mạng lưới bơm nhỏ, sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, khai thác tối đa lợi thế hệ thống các hồ đập trong tỉnh để nhân rộng các mô hình tưới nước cho các loại cây cam, quýt giống mới, chanh leo, bưởi, mía, chè, cỏ chăn nuôi...

Song song với đó cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, trong đó tập trung xây dựng sớm phương án cấp nước phục vụ sản xuất năm 2023. Khi kết thúc mùa mưa, kịp thời đánh giá cân đối nguồn nước để bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý; kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất và cấp nước khi nguồn nước thay đổi; Nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến bơm cấp nước cho các vùng xảy ra hạn hán, thiếu nước để phục vụ sản xuất, đời sống. Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; Quản lý chặt chẽ nguồn nước, hướng dẫn nhân dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, chống rò rỉ thất thoát và sử dụng lãng phí nước; thực hiện các biện pháp thích hợp không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các công ty TNHH Thủy lợi triển khai thực hiện tốt đợt phát động, ứng phó với hạn hán, lũ lụt và chủ động biện pháp tưới, tiêu vụ đông xuân năm 2022 và sản xuất năm 2023. Đồng thời, xây dựng kế hoạch dùng nước của tỉnh phối hợp với các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê đảm bảo xả nước đáp ứng yêu cầu dùng nước phục vụ dân sinh và sản xuất năm 2023.

Tuệ Nhi

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/nghe-an-phat-dong-toan-dan-ra-quan-lam-thuy-loi-nam-2022-a857.html