Dự báo về tình hình giá cả thị trường những tháng cuối năm, ông Truyền cho rằng có 3 yếu tố gây áp lực lên việc tăng giá là giá các mặt hàng nhiên liệu và năng lượng tháng tới dự báo vẫn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của cuộc xung đột kéo dài giữa Nga-Ucraina. Ảnh hưởng của thời tiết mưa bão cũng sẽ tác động tăng giá cục bộ tại một số địa phương như giá thực phẩm xu hướng tăng do một số nơi cung cấp thực phẩm bị hư hỏng do mưa bão (cây trồng, vật nuôi và các loại thủy hải sản).
Bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng tiếp tục tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu về lương thực, nguyên, nhiên vật liệu… khiến giá gạo, phân bón, thực phẩm có thể tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như giá một số mặt hàng nhà nước định giá được giữ ổn định đến hết năm (giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh theo lộ trình, giá dịch vụ giáo dục). Sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ cùng với các chính sách giảm thuế, phí đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Theo ông Truyền, trong thời gian còn lại của năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.
Cục Quản lý giá kiến nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới và các biện pháp ứng phó của các nước; đặc biệt tại các nước lớn, các đối tác thương mại quan trọng của nước ta; cập nhật sát tình hình cung cầu giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Đối với điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai, ông Truyền kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục chủ động trong việc đề xuất, xây dựng các phương án điều chỉnh giá, đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Trong dịp cuối năm, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng cần chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung-cầu thị trường, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm. Tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả và thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định.
Trang Thảo
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/gia-nhien-lieu-thuc-pham-gay-ap-luc-tang-gia-a950.html