Hà Nội công nhận danh hiệu 14 làng nghề. Ảnh minh họa
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định công nhận 3 làng nghề Hà Nội và 11 làng nghề truyền thống Hà Nội. Trong đó, 3 làng nghề Hà Nội, gồm: Làng nghề mây tre đan (thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì); làng nghề mộc Triệu Xuyên (xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ); làng nghề cắt may (làng Táo, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ).
11 làng nghề truyền thống Hà Nội, bao gồm: Làng nghề trồng đào, cây cảnh thôn Đông Thai (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín); làng nghề khảm trai thôn Trung (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên); làng nghề khảm trai thôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên); làng nghề chế biến nguyên liệu khảm và khảm ốc trai thôn Thượng (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên); làng nghề khảm trai thôn Hạ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên); làng nghề mộc dân dụng thôn Chanh Thôn (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên)…
Mỗi làng được công nhận làng nghề truyền thống Hà Nội được UBND thành phố tặng Bằng công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội" và được hỗ trợ 12 triệu đồng. Mỗi làng được công nhận danh hiệu làng nghề Hà Nội được UBND thành phố tặng Bằng công nhận danh hiệu "Làng nghề Hà Nội" và được hỗ trợ 6 triệu đồng.
Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp bằng kinh phí, các làng nghề và làng nghề truyền thống của Hà Nội được ưu tiên tham gia vào các chương trình phát triển sản xuất, tiêu thụ khác hằng năm.
Theo thống kê, Hà Nội hiện còn 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Có 6 nhóm nghề đang hoạt động là: Chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn.
Các làng nghề đã và đang có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Đồng thời, tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22 - 25 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó nhiều làng nghề đạt cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức); làng nghề cơ khí Phùng Xá (Thạch Thất)...
Dù đã có những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên việc phát triển làng nghề còn chưa tương xứng, để khu vực này phát huy thế mạnh, theo các chuyên gia, Thành phố Hà Nội cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Tiếp tục thực hiện lồng ghép các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có, như: Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm... để hỗ trợ các làng nghề.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông để các cơ sở sản xuất tại làng nghề nắm bắt và chủ động tham gia chương trình hỗ trợ. Tăng cường ứng dụng dựa trên các nền di động, công nghệ thông tin thông minh, thương mại điện tử trong quảng bá để giới thiệu sản phẩm làng nghề./.