Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn.
"Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng", Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính nêu rõ, trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Trong quá trình phát triển, thị trường đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, các cơ quan quản lý và Bộ Tài chính đã theo sát diễn biến thị trường để hoàn thiện chính sách.
Theo đó, khung pháp lý về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm ban hành đầy đủ từ cấp Luật, Nghị định đến các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, có 2 loại trái phiếu là trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Trong đó, từ năm 2021, hai phương thức phát hành trái phiếu được phân biệt cụ thể:
Trái phiếu phát hành ra công chúng được chào bán cho mọi nhà đầu tư và chỉ được chào bán sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép.
Trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, là các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm và tài sản để đầu tư vào sản phẩm có rủi ro cao hơn trái phiếu phát hành ra công chúng.
Bộ Tài chính đặc biệt khuyến cáo: Các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính thường xuyên tuyên truyền về trái phiếu doanh nghiệp, làm rõ đặc điểm của sản phẩm này khác với sản phẩm tài chính của các ngân hàng thương mại như tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã xuất hiện một số nhược điểm như: có doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế, một số tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng dịch vụ, một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp, một bộ phận nhà đầu tư cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo đó, đã có hiện tượng các nhà đầu tư cá nhân không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Trước thực trạng này, từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã thường xuyên thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ban hành 17 thông cáo báo chí, trong đó đã cảnh báo đến các doanh nghiệp phát hành, chủ thể tham gia thị trường và nhà đầu tư cá nhân về rủi ro cần lưu ý khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường trái phiếu cần tuân thủ quy định của pháp luật và lưu ý như sau: Đối với doanh nghiệp phát hành: Với nguyên tắc trái phiếu doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu. Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp. Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ: Các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường. Đối với các nhà đầu tư: Cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt; Các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu… |