Chính phủ chưa muốn bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

20/09/2022 15:25

Chính phủ nhận định, trong thời gian vừa qua Quỹ bình ổn giá xăng dầu có lợi ích và tác dụng lớn trong quá trình thực hiện bình ổn giá, đặc biệt là sự biến động mạnh nhất trong năm 2022 do đó nên chưa đề xuất bỏ trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Chiều 19/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, người thừa uỷ quyền Thủ tướng đọc tờ trình, cho biết dự thảo Luật Giá (sửa đổi) bổ sung quy định và đưa thành một điều riêng về lập quỹ bình ổn giá.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, các loại quỹ bình ổn khác thì bộ bỏ, nhưng riêng Quỹ bình ổn giá xăng dầu qua đánh giá tác động thấy rằng, trong thời gian vừa rồi có lợi ích và tác dụng lớn trong quá trình thực hiện bình ổn giá, đặc biệt là sự biến động mạnh nhất trong năm 2022. Từ đó giá xăng, dầu đã giảm.

quy-binh-on-gia-0725-1663661898.jpg

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Tuy nhiên, đây chỉ là một công cụ, chúng ta đang còn công cụ thuế, công cụ phí, các công cụ về điều tiết, đa dạng hóa nguồn cung hay là giảm giá thành các chi phí khác.

Người đứng đầu ngành Tài chính chia sẻ, công cụ này rất hữu ích, nếu chúng ta cứ dựa vào thuế và phí, nếu thuế và phí giảm hết thì không còn bộ máy nhà nước nữa, ai trả lương, ai đảm bảo an ninh, quốc phòng, tiền đâu để xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ an ninh quốc gia.

“Chúng tôi muốn giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, thực ra có 300 đ/lít nhưng tích tiểu thành đại và cùng với các biện pháp khác, nó sẽ hỗ trợ cho vấn đề điều chỉnh giá xăng, dầu. Bởi vì xăng, dầu và năng lượng là 2 lĩnh vực an ninh kinh tế quan trọng mà chúng ta phải rất đặc biệt quan tâm”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Đề cập đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến thường trực ủy ban này tán thành đề xuất của Chính phủ về duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi đây là công cụ điều tiết giá loại nhiên liệu này trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.

Theo ông Cường, trong bối cảnh hiện nay, thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của nhà nước. Quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ quỹ hiện tại là chưa phù hợp.

Ngoài ra, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu. Quỹ này cũng giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát.

Do đó, khi giá thế giới còn biến động khó lường, với điều kiện chống chịu hiện tại của Việt Nam, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày), thì trước mắt vẫn cần duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, trong dự thảo luật chỉ nên nêu trong điều khoản chuyển tiếp, không nhất thiết quy định thành điều khoản riêng, điều hành quỹ cần linh hoạt hơn, tăng trách nhiệm, công khai, minh bạch. Nên cần có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.

Trước đó, trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính cho hay, gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Tính đến hết quý 2 năm 2022, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 310,794 tỷ đồng. Tổng số trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong quý 2 năm 2022 (từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 30/6/2022) là 1.007,807 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Chính phủ chưa muốn bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu" tại chuyên mục Xã hội. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).