Theo đó, trên cơ sở phương án tổ chức giao thông tạm thời được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt, các phương tiện giao thông sẽ được phép lưu thông trên 2 đoạn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm theo quy định.
Người lái xe tham gia giao thông trên đường cao tốc phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, các quy tắc tham gia an toàn theo quy định pháp luật hiện hành... Các phương tiện được phép lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 80km/h và tốc độ tối thiểu 60km/h.
Đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô. Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào cao tốc (trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).
Thông xe 2 đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm từ 10h ngày hôm nay (19/5).
Người, phương tiện thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường cao tốc.
Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm chỉ được lưu thông trên đường cao tốc khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Để bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình khai thác 2 tuyến cao tốc, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị chức năng hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông tuân thủ quy định.
Đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn trên các tuyến cao tốc.
Sau khi hai cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào khai thác, thời gian từ Tp.HCM đi Nha Trang (hơn 420km) sẽ được rút ngắn đáng kể.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101km, trải qua 4 huyện tỉnh Bình Thuận. Điểm đầu dự án giao điểm cuối cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại huyện Tuy Phong. Điểm cuối tiếp nối bằng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại huyện Hàm Thuận Nam.
Dự án khởi công tháng 9/2020, cho phép gia hạn tiến độ thêm 6 tháng.
Trong giai đoạn phân kỳ này, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được đầu tư xây dựng mặt đường rộng 17m cho 4 làn xe lưu thông với tốc độ 80km/h. Toàn tuyến có 5 nút giao chính để kết nối lên xuống, cứ khoảng 4-5km có một điểm dừng khẩn cấp.
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn phân kỳ hơn 10.853 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách. Trong giai đoạn đầu đưa vào khai thác, dự án chưa triển khai thu phí.
Khi cao tốc đưa vào khai thác, từ Tp.HCM ra đến Vĩnh Hảo dài hơn 200km sẽ liền mạch bằng 3 đoạn cao tốc Bắc - Nam, giảm tải cho quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Thuận. Đồng thời liên thông với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ở nút giao Ba Bàu nên xe cộ sẽ giảm ùn tắc tại đây khi di chuyển từ Tp.HCM đến Vĩnh Hảo và các tỉnh miền Trung…
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, điểm đầu tại huyện Diên Khánh và điểm cuối tại TP Cam Ranh, Khánh Hòa. Tổng kinh phí dự án hơn 7.600 tỷ đồng, hình thức BOT, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư.
Cao tốc khởi công từ tháng 9/2021, vượt tiến độ 3 tháng. Trong giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư xây dựng mặt đường rộng 17m cho 4 làn xe lưu thông với tốc độ 80km/h.
Toàn tuyến có 4 trạm thu phí đặt tại các nút giao Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và Cam Ranh. Hình thức thu phí không dừng, thời gian khoảng 16 năm 4 tháng. Trước mắt, dự án chưa thu phí theo hợp đồng BOT.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khi cao tốc này đưa vào khai thác sẽ góp phần phát triển kinh tế du lịch. Khách đi đường bộ từ hướng TP.HCM đến TP Nha Trang nghỉ dưỡng, tham quan sẽ có thêm lựa chọn, cũng như giao thương vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi.
Các vùng lân cận như Cam Lâm, Cam Ranh, Diên Khánh sau khi kết nối với cao tốc sẽ mở ra nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, góp phần tạo ra thêm nhiều sản phẩm cho xã hội.