CIEM dự báo GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6,48%

15/01/2024 19:34

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2024 trong kịch bản tích cực nhất, tăng trưởng kinh tế (GDP) Việt Nam có thể đạt 6,48%.

Sáng 15/1, CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo kinh tế Việt Nam 2023 và triển vọng năm 2024 với chủ đề Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng.

Trình bày báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, CIEM dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kịch bản 1 GDP có thể tăng trưởng 6,13%, xuất khẩu tăng 4,02%, thặng dư thương mại 5,64 tỷ USD, lạm phát bình quân 3,94%.

Kịch bản 2 GDP có thể tăng trưởng 6,48%, xuất khẩu tăng 5,19%, thặng dư thương mại 6,26 tỷ USD, lạm phát bình quân 3,72%.

z5073437823866-8bb6c8a334eb6f176a7d0408eb870d69-1526-medium-1705321969.jpeg

Để thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, đại diện CIEM cho rằng Việt Nam cần tiếp tục xử lý một số thách thức trong quá trình thực hiện RCEP trong thời gian tới, trong đó có các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác trong RCEP, và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP. Thách thức lớn nhất là tăng cường nhận thức, quán triệt cho các cơ quan, doanh nghiệp về tư duy phù hợp để tiếp cận và khai thác hiệu quả cơ hội từ RCEP.

Đồng thời, ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Bà Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, nằm ở một khu vực hội nhập kinh tế sôi động, Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong việc thúc đẩy các FTA, gắn với cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế. Các động lực ấy đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng.

Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ, trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn,… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ.

Thực tế, kiến nghị của nhiều chuyên gia về việc tăng cường mở rộng tài khóa-tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cũng dựa trên đánh giá về cải thiện nền tảng về chất lượng thể chế và năng lực cải cách-điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, 2 kịch bản của CIEM vẫn quá thận trọng. Ông Bình cho rằng cần kịch bản tham vọng cao hơn, có thể là kịch bản tăng trưởng 7% trong bối cảnh có sự quyết tâm, nỗ lực ngay từ những tuần, tháng đầu năm.

Bạn đang đọc bài viết "CIEM dự báo GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6,48%" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).