CPI tháng 3 giảm 0,23% do giá lương thực, thực phẩm giảm

29/03/2024 13:37

Tổng cục Thống kê cho hay, theo quy luật tiêu dùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,23% so với tháng trước.

Trong mức giảm 0,23% của CPI tháng 3/2024 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 4 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

7 nhóm hàng và dịch vụ có chỉ số giảm giá gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức 0,76%; nhóm giáo dục giảm 0,29%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,07% theo quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,06% do thời tiết các tỉnh miền Bắc ấm dần lên và người dân thắt chặt chi tiêu sau Tết; nhóm giao thông giảm 0,03%...

cpi-1034-1711694081.jpeg

Giá lương thực, thực phẩm giảm sau tết khiến CPI tháng 3 giảm. (Ảnh minh họa)

Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng nhẹ 0,01%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,29%.

Chỉ số giá tiêu dùng quý 1/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Giáo dục tăng 9,02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,51%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,20%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,40%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,53%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,33%; giao thông tăng 2,27%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,54%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,35%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,21%. Riêng bưu chính viễn thông giảm 1,46%.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 3/2024 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/3/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.139,64 USD/ounce, tăng 5,21% so với tháng 02/2024. Nguyên nhân giá vàng thế giới tăng cao chủ yếu do các nhà giao dịch kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát; căng thẳng địa chính trị kéo dài và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,59% so với tháng trước; tăng 9,41% so với tháng 12/2023; tăng 22,71% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý 1/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thế giới, giá đồng USD tăng sau khi FED thông báo giữ duy trì lãi suất trong biên độ 5,25%-5,5%. Tính đến ngày 25/3/2024, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 103,5 điểm, giảm 0,35% so với tháng trước.

Trong nước, nhu cầu USD của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu tăng, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.837 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 3/2024 tăng 0,88% so với tháng trước; tăng 1,81% so với tháng 12/2023; tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý 1/2024 tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước.

Bạn đang đọc bài viết "CPI tháng 3 giảm 0,23% do giá lương thực, thực phẩm giảm" tại chuyên mục Người tiêu dùng. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).