Cua Cà Mau vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là sản phẩm thứ 2 (sau con tôm sú) nhận được chứng nhận danh giá này.
Cụ thể, văn bằng bảo hộ sản phẩm dựa trên nghiên cứu về khí hậu, thuỷ văn khu vực vùng địa lý, nhiệt độ, nguồn thức ăn tự nhiên… để con cua Cà Mau sinh trưởng và phát triển trong môi trường tự nhiên. Cùng với đó là tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm đối với cua gạch; hàm lượng protein, lipid (béo)…trong thịt cua.
Đây là cơ sở pháp lý và hệ thống các công cụ để Cà Mau tăng cường việc quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu sản phẩm, đưa con cua Cà Mau ra thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng giá trị, tăng thu nhập để đời sống người dân thêm phát triển.
Người nông dân thu hoạch cua Cà Mau. Ảnh minh hoạ
Được biết, tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển. Vùng đất rừng ngập mặn ven biển của tỉnh rất thuận lợi để các loài giáp xác như tôm, cua phát triển. Vùng đất nuôi cua phổ biến và cho chất lượng tốt nhất của tỉnh thuộc các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Đầm Dơi. Đây cũng là những địa phương nằm trong bản đồ khu vực địa lý được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho “cua Cà Mau”.
Cua mang chỉ dẫn địa lý Cà Mau là giống cua xanh được khai thác tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo tại các trại sản xuất cua giống trong tỉnh Cà Mau, được thả với mật độ 1 – 2 con/m2 có kết hợp với các loài thủy sản khác như: Tôm, sò huyết.
Cua Cà Mau sinh trưởng và phát triển trong môi trường tự nhiên nên chất lượng sản phẩm tươi ngon, từ gạch cua đến thịt cua, trở thành sản phẩm ẩm thực sang trọng, có giá trị; làm quà tặng…
Sắp tới đây, Cà Mau sẽ tổ chức Lễ hội cua với việc trình diễn 69 món ẩm thực được chế biến từ con cua, góp phần đưa ẩm thực mang đậm hương vị đặc trưng vùng đất cực Nam đến với mọi du khách...