Đầu tư các sân bay nhỏ đưa "kinh tế địa phương cất cánh"?

12/10/2022 16:12

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xây dựng hệ thống sân bay đáp ứng tầm nhìn phát triển dài hạn, sao cho hạ tầng giao thông thực sự trở thành bệ phóng cho nền kinh tế. Đặc biệt, giúp phát huy lợi thế tại những địa bàn giàu tiềm năng phát triển nhưng còn hạn chế về giao thương, như các tỉnh miền núi, cao nguyên, hải đảo... là các vấn đề đặt ra.

Mặc dù, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong suốt các năm 2020 – 2021 nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình khai thác của hàng không Việt Nam đã khởi sắc trở lại, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau đại dịch. Đồng thời cũng theo dự báo của tổ chức này, tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách và đóng góp 23 tỷ USD vào GDP. Trước nhu cầu rất lớn như vậy nhưng điều đáng nói nhiều cảng hàng không trong nước đã phải khai thác vượt công suất công bố như tại các nhà ga hành khách nội địa sân bay Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh…

Trên cơ sở đó, tại Tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh” do báo Đầu tư tổ chức sáng 11/10, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù dư địa phát triển của ngành hàng không rất lớn song do hạn chế về nguồn lực đầu tư nên mạng lưới sân bay tại Việt Nam còn mỏng. Hiện cả nước chỉ có 22 cảng hàng không đang khai thác, trong đó 20 cảng có nguồn gốc là sân bay quân sự được cải tạo, nâng cấp thành sân bay dân dụng. Chỉ có 1 cảng hàng không do tư nhân đầu tư là sân bay quốc tế Vân Đồn.

Chất lượng của các sân bay cũng rất đáng lo ngại. Nhiều sân bay xây từ thời chiến tranh, đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu phát triển và phải lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp toàn diện, thậm chí xây mới như sân bay Côn Đảo, sân bay Nà Sản… Nhiều khu vực cách biệt về địa lý, đi lại khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên chưa có sân bay. Trong khi đó, các sân bay lớn lại thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng…

hang-khong-1665476499-1665565630.jpg

Sân bay quốc tế Nội Bài

Cơ sở hạ tầng hàng không yếu và thiếu ngoài việc hạn chế lưu thông hành khách và hàng hóa, còn hạn chế cơ hôi phát triển kinh tế tại các địa phương, đặc biệt địa phương còn khó khăn về giao thông. Theo thống kê, mật độ sân bay trên diện tích của Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 10 so với các nước khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, xếp sau đa số các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Campuchia…

Do đó, xây dựng hệ thống sân bay đáp ứng tầm nhìn phát triển dài hạn, sao cho hạ tầng giao thông thực sự trở thành bệ phóng cho nền kinh tế. Đặc biệt, giúp phát huy lợi thế tại những địa bàn giàu tiềm năng phát triển nhưng còn hạn chế về giao thương, như các tỉnh miền núi, cao nguyên, hải đảo... là các vấn đề đặt ra.

Tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định, việc địa phương đề xuất xây dựng sân bay là nhu cầu là chính đáng. Mặc dù vậy, quyết định có xây dựng hay không cần có phản biện khoa học.

"Lợi ích của sân bay không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế của việc khai thác trực tiếp sân bay mà còn có lợi ích gián tiếp về kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để xác định nhu cầu có thực sự chính đáng hay không, phương phải tính toán thực chất, kỹ càng về kế hoạch phát triển sân bay. Càng tính toán kỹ, sai sót càng giảm bớt", ông Hiếu nói và nhấn mạnh: Khi quyết định phát triển một dự án hàng không thì các địa phương nên tham vấn từ sớm các chuyên gia về hàng không và nhà đầu tư xây dựng cụm cảng hàng không. Ông Hiếu mong muốn chính các địa phương khi có sân bay nằm trong tầm quy hoạch gần nhau sẽ xây dựng kịch bản, kế hoạch bổ trợ cho nhau, bởi nhiều sân bay địa phương nằm gần nhaun nhưng lại có những thị trường khác nhau.

Chia sẻ thêm về sự cần thiết của xây dựng sân bay nhỏ tại các địa phương, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho rằng: Hiện nay, tại Việt Nam có tổng 22 sân bay có hoạt động bay dân sự, trong đó có 10 sân bay quốc tế. Việc phát triển thêm các sân bay nhỏ về cơ bản, nếu được đầu tư sẽ mang lại cơ hội tiếp cận, mở đường cho sự phát triển của các địa phương. Kết nối hàng không tạo điều kiện để khai phá tiềm năng phát triển kinh tế. Việc phát triển thêm các sân bay nhỏ là cần thiết, nhất là trong bối cảnh mạng lưới sân bay tại Việt Nam vẫn được cho là “mỏng” hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế mở, nhu cầu đi lại, giao thương đang ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, để quyết định đầu tư mang lại hiệu quả, ông Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, cần lưu ý 4 vấn đề: Thứ nhất, cần phân biệt rõ (quan niệm) thế nào là sân bay nhỏ; thứ hai, chú trọng hiệu quả đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành (gắn với tổ chức vận tải) sẽ quyết định việc đầu tư phát triển sân bay; thứ ba, cần làm rõ phương thức đầu tư phát triển, do nhà nước, khu vực ngoài nhà nước hay hợp tác công – tư (PPP)? Và có cần những cơ chế khuyến khích khu vực đầu tư nước ngoài đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác như thế nào.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Vịnh nhấn mạnh, các vấn đề mang tính kỹ thuật, cần thu xếp, hoàn thiện về thể chế; tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật hàng không; đảm bảo an toàn, an ninh bay, đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng…

Bạn đang đọc bài viết "Đầu tư các sân bay nhỏ đưa "kinh tế địa phương cất cánh"?" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).