Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “cầu cứu” Thủ tướng

03/02/2023 11:27

Trong đơn "cầu cứu" lên Thủ tướng, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu tiếp tục "bỏ quên" vai trò của các doanh nghiệp bán lẻ.

Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với gần 9.000 cửa hàng trên cả nước vừa gửi đơn "cầu cứu" lên Thủ tướng liên quan đến bình ổn thị trường xăng dầu hiện nay. 

Đơn kiến nghị nêu lên những quy định chưa phù hợp ở Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trong dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu lại tiếp tục "bỏ quên" vai trò của các doanh nghiệp bán lẻ - mắt xích cuối cùng, nhưng rất quan trọng trong chuỗi phân phối bán lẻ xăng dầu.

2bf081dd-b30b-45ce-a56a-bf01da3fcaa4-0629-1675394228.jpeg

Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với gần 9.000 cửa hàng trên cả nước vừa gửi đơn "cầu cứu" lên Thủ tướng.

Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kinh doanh trong tâm thế bị "ép" vì luôn trong tình trạng nếu đóng cửa thì bị phạt, mà mở bán cũng không đành vì càng bán càng lỗ.

Các thương nhân đầu mối và các khâu trung gian được hưởng chi phí định mức cố định trong công thức tính giá xăng dầu, nhưng chiết khẩu cho cửa hàng bán lẻ thì 0 đồng. Việc này dẫn tới khi thị trường có biến động, đầu mối và khâu trung gian đã "cắt" hết hoa hồng, chèn ép nhà bán lẻ thời gian dài.

Một điểm bất hợp lý khác theo doanh nghiệp bán lẻ, khi giá tăng doanh nghiệp bán lẻ mua hàng thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là không giao hàng, họ để tồn trữ, giữ lại hưởng chênh lệch giá cho dù doanh nghiệp bán lẻ nói sắp hết hàng nhưng họ nhất quyết không giao hàng nên dẫn đến đóng cửa.

Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cho doanh nghiệp bán lẻ được mua xăng dầu từ 3 doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối theo hợp đồng mua bán xăng dầu. "Mong muốn các bộ ngành lắng nghe doanh nghiệp bán lẻ, sửa đổi quy định đảm bảo lành mạnh thị trường, cạnh tranh bình đẳng giúp tháo gỡ những nút thắt hiện nay", doanh nghiệp kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, tại dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 2, Bộ Công Thương cho rằng không nên quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp cần chủ động đàm phán với nhau về mức chiết khấu cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.

Về ưu điểm, phương án trên bảo đảm sự chủ động trong mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đồng thời không làm tăng giá cơ sở mặt hàng nhiên liệu này. Tuy nhiên, khi kinh doanh gặp khó khăn, các đại lý sẽ tiếp tục kiến nghị về quyền lợi của họ.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị được mua xăng dầu từ 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu. Đề xuất này áp dụng cả với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Bộ Công Thương nhận định rằng cần sửa đổi quy định về quyền của đại lý kinh doanh xăng dầu theo hướng cho phép được lấy từ nhiều nguồn (có thể giới hạn 2-3 nguồn). Việc này nhằm đa dạng nguồn cung xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng.

Tuy nhiên, quy định hiện không phù hợp với Luật Thương mại, khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng và giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng. Khi nguồn cung gặp khó khăn, cũng sẽ không có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm về việc cung cấp xăng dầu cho đại lý.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “cầu cứu” Thủ tướng" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).