Doanh nghiệp gỗ đối mặt khó khăn sụt giảm số lượng đơn hàng

27/09/2022 16:08

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang ở mức cao, sức mua thị trường vì thế cũng trở nên yếu đối với mặt hàng không thiết yếu, việc đơn hàng mới giảm đang đặt ra thách thức đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ những tháng cuối năm.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 11,07 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây.

Kim ngạch trong tháng 8 là 1,35 tỷ USD, dù tăng 65% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ ngang với tháng 7 và thấp hơn so với con số 1,5 tỷ USD của tháng 6.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do tác động của xung đột Nga - Ukraine khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, chi phí tăng cao, cùng với tình hình lạm phát của các nước tăng cao khiến nhu cầu mua sắm giảm. Trước khó khăn trên, dự báo xuất khẩu lâm sản năm 2022 đạt khoảng 16,3 tỷ USD, xấp xỉ với mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Đáng chú ý, trong các thị trường chủ lực nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, hiện có thị trường Mỹ giảm nhập khẩu nhưng lại chiếm tỷ lệ cao nhất, khiến cho kết quả xuất khẩu toàn ngành bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Đỗ Xuân Lập đánh giá, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ. Do đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm làm cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương Hoa Kỳ (DOC) thông báo gia hạn lần thứ tư thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Đồng nghĩa sẽ ban hành kết luận cuối cùng vụ việc vào ngày 31/1/2023 cũng tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ trong nửa cuối năm.

31c37c25af4af647ddf0e6a7d2985f7a-1664180778-1664268830.jpeg

Ảnh minh họa.

Nghiên cứu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và các hiệp hội địa phương cho thấy, tới 80% các doanh nghiệp chế biến gỗ dự báo có mức doanh thu giảm từ 30% trở lên, đơn đặt hàng đã giảm 44,4%, cá biệt có những doanh nghiệp đơn đặt hàng đã giảm 100%.

Thực tế, Viforest ghi nhận một số doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất đến cuối năm 2022 cũng rất lo lắng về tình trạng khách hàng chậm xác nhận đặt hàng, kéo dài thời gian giao hàng, chậm thanh toán do tồn kho tại các thị trường còn rất lớn, bởi tốc độ tiêu thụ rất chậm so với năm trước.

Mặt khác, rủi ro giá nguyên liệu tăng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành gỗ. Trước đó, việc Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn sang EU và Mỹ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung gỗ nguyên liệu trên toàn cầu.

Trước những sức ép về thị trường và biến động kinh tế thế giới, giới phân tích kỳ vọng các yếu tố tăng trưởng từ thị trường nội địa hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ. Đối với Công ty Gỗ An Cường, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định tỷ lệ tăng trưởng doanh thu ở mức 15%/năm trong giai đoạn 2022 - 2025 trước tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản; sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa

Tập đoàn Gỗ kỹ nghệ Trường Thành đang tăng cường hợp tác với các nhà phát triển bất động sản trong nước với nhiều ngành hàng để tăng doanh thu, cải thiện biên lợi nhuận. Cùng với đó, đẩy mạnh sử dụng nguyên liệu tại chỗ để giảm bớt chi phí đầu vào, nhằm đảm bảo cho thị trường có thể chấp nhận được sản phẩm, doanh nghiệp duy trì sản xuất.

Doanh nghiệp đặt mục tiêu nâng công suất sản xuất tất cả nhà máy tại Bình Dương từ 100 tỷ đồng/tháng doanh thu lên 140 tỷ đồng/tháng; thuê lại nhà máy ván ép MDF, PB tại Bình Dương để chủ động nguồn nguyên liệu; cải tiến quy trình sản xuất.

Về công suất chế biến gỗ của Phú Tài trong năm 2022 đạt 84.000 m3/năm, tăng 30% so với cùng kỳ với nhà máy gỗ Phù Cát hoàn thành giai đoạn 2 và vận hành từ tháng 7/2021. Giai đoạn 3 dự kiến triển khai khi thị trường thuận lợi đưa công suất lên 102.000 m3/năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu nội thất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi bị ảnh hưởng của lạm phát ít hơn các nước khác; hay duy trì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện khoảng 54% doanh xuất khẩu sang thị trường khác như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Với những thị trường này, doanh nghiệp xem chuyển đổi số như phương tiện tiến đến sản xuất thông minh và phát triển bền vững. Theo đó, doanh nghiệp ưu tiên tập trung tối ưu chi phí, tăng hiệu suất lao động, xây dựng thương hiệu, tăng doanh thu và tăng trải nghiệm khách hàng.

Hiện nay, thị trường niêm yết đang đợi kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp ngành gỗ. Về giá trị giao dịch cổ phiếu, đóng phiên giao dịch cuối tuần 23/9, mã ACG của Công ty Gỗ An Cường được niêm yết ở mức 68.900 đồng; PTB của Phú Tài ở mức 59.000 đồng; TTF của Tập đoàn Gỗ kỹ nghệ Trường Thành có thị giá 7.280 đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp gỗ đối mặt khó khăn sụt giảm số lượng đơn hàng" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).