Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể tiếp tục gặp khó khăn năm 2023

28/12/2022 08:39

Tại Tọa đàm Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Các đơn hàng tháng 9 đã giảm sút, có nhiều doanh nghiệp giảm 80% đơn hàng dự báo năm 2023 sẽ giảm sút nhiều, thiếu việc làm.

Chỉ trong 11 tháng 2022 xuất khẩu của Việt Nam đạt 342,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 331,5 tỷ USD, xuất siêu 10,7 tỷ USD. Đến giữa tháng 12/2022, vượt mốc 700 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Dự báo năm 2022 đạt 735 tỷ USD. Theo ông Liêm, đây là con số kỳ vọng, theo quan sát về số liệu, với trường hợp đi ngang, nhập khẩu khoảng 14 tỷ USD và xuất khẩu thêm 15 tỷ USD. Tuy nhiên, theo xu thế của tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm theo chiều hướng đi xuống nên con số này chỉ là kỳ vọng. 

Phân tích con số về đầu tư, xuất nhập khẩu ông Liêm nhận thấy, các thị trường lớn liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc… năm 2021 có nhiều tích cực như Mỹ 96 tỷ USD xuất khẩu, tăng trưởng 25%; Trung Quốc tăng 14%... Nhưng khi chuyển sang 2022, theo dõi số liệu sẽ thấy các chính sách về phục hồi hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ có tác động từ nửa đầu đến giữa năm 2022 đạt kim ngạch xuất khẩu 33-34 tỷ USD hàng tháng. Tuy nhiên, bắt đầu quý II/2022 có nhiều dấu hiệu bộc phát, từ quý III khi tháng 9 con số này giảm 14,6% còn 29,8 tỷ USD và tháng 11 dấu hiệu giảm âm 4,4%. Hai thị trường Mỹ và Trung Quốc xu hướng cũng tương tự. Xuất khẩu vào thị trường Mỹ thường đạt 10 tỷ USD hàng tháng nhưng từ tháng 9 đã xuất hiệu mức độ giảm còn 8 tỷ USD và tháng 11 còn 7,8 tỷ USD.

Trung Quốc dừng ở mức 3,9 tỷ USD hàng tháng và từ tín hiệu nới lỏng chính sách zero Covid và có dấu hiệu tăng trưởng trong xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Ghi nhận cho thấy, tháng 11 vẫn có dấu hiệu suy giảm nhẹ. Mặc dù vậy, xuất khẩu Việt Nam vẫn có cơ hội khi Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 đang có dấu hiệu phục hồi, ông Liêm hy vọng đây sẽ là yếu tố giúp vượt qua cơn gió nghịch. 

toa-dam-vuot-gio-nguoc-1672149573-1672191446.jpeg

Phiên thảo luận “Khơi thông nguồn lực của doanh nghiệp 2023”.

Dự báo tình hình xuất khẩu năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn khi gặp tác động của một số yếu tố như giảm cầu của thị trường thế giới, tỷ giá đồng ngoại tệ giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Đồng Nhân dân tệ được nới lỏng khiến hàng hoát xuất khẩu của Trung Quốc sẽ rẻ hơn và cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam.

Ông Liêm cho rằng, để chủ động đối phó với những khó khăn trong năm 2023, đối với doanh nghiệp cần phải thực hiện các kịch bản ứng phó thay đổi thị trường xuất khẩu, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới. Các thị trường chính, doanh nghiệp cần khai thác tốt các FTA. Hiện nay, việc tận dụng khai thác các FTA vẫn còn kém. 

Bên cạnh đó, theo ông Liêm, các ưu đãi FTA chỉ xoay quanh từ 19-32%. Do đó kỳ vọng và thực tế doanh nghiệp đạt được chênh nhau rất lớn. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI khai thác ưu đãi thuế quan mang lại giá trị lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng khai thác tốt các FDI và tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại các thị trường chính. Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường mới và đơn hàng mới. Các cơ quan chức năng của Nhà nước nên cần có những phân tích và định hướng tìm kiếm các thị trường mới có  lợi thế hơn. VCCI cũng có nhiều sự kiện về các thị trường mới như Trung Đông, Tây Phi… có rất nhiều điểm thú vị có thể khai thác như nhiều ưu đãi về giá…

Cần có những phân tích về các thị trường cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam để doanh nghiệp có thêm thông tin để có thể khai thác tốt hơn, tạo thêm ưu thế. Qua các FTA thế hệ mới, đòi hỏi các doanh nghiệp có sự phát triển cao hơn như phát triển xanh, phát triển bền vững.

Ông Liêm kiến nghị, các doanh nghiệp cần tận dụng các chương trình kích cầu nội địa và xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, do Việt Nam là nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, để bù đắp cho sự thiếu hụt từ giảm cầu xuất nhập khẩu, chúng ta cũng cần hướng tới thị trường nội địa bằng cách tăng cường tiếp thị quảng bá cho các hội chợ…

Đồng thời, ông cho rằng, Nhà nước và doanh nghiệp cần quan tâm hơn về thị trường lao động. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Do đó chất lượng nguồn nhân lực, sự ổn định nguồn lao động cũng là yếu tố quan trọng của sự phát triển của doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong câu chuyện nhân lực.

Ở góc độ vĩ mô, ông Liêm đề nghị chính sách cần có dự báo và doanh nghiệp có thể dự báo và lường trước được. Tránh những chính sách giật cục, không kịp thời, không có tính thực tế khả thi. Ông Liêm kiến nghị Chính phủ và Quốc hội tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể tiếp tục gặp khó khăn năm 2023" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).