Đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động

09/05/2023 11:39

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị 12/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và giao Ủy ban thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc - hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, chiếm trên 60% nguồn lực về vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong cả nước.

Sau hơn 4 năm hoạt động, Ủy ban đã tiếp nhận đầy đủ để thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo quy định của pháp luật; làm đầu mối của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, cùng với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai các dự án quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thực hiện an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, vốn chủ sở hữu và tài sản được bảo toàn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được duy trì, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, Ủy ban và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn những tồn tại, hạn chế như: Cơ sở pháp lý cho mô hình hoạt động của Ủy ban còn có vướng mắc, chưa thực sự hiệu quả; sự chủ động, linh hoạt, tích cực, sáng tạo còn hạn chế, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương còn nhiều vướng mắc. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa chủ động phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản Nhà nước giao, đặc biệt là trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn, quan trọng, hầu như không có dự án nào được khởi công mới trong các giai đoạn vừa qua.

Những tồn tại, hạn chế xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của nhiều chủ thể liên quan: Chính phủ, các bộ ngành, ủy ban và các doanh nghiệp,... trong đó có những nguyên nhân chính như: Vướng mắc lớn về pháp lý; sự phối hợp với các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, hiệu quả; cần sự cố gắng, nỗ lực và chủ động hơn nữa của Ủy ban và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình và đổi mới hoạt động của Ủy ban, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban trong thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, cơ quan liên quan và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải chủ động, tích cực xử lý, giải quyết có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bất cập và chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.

Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm

Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2023 kế hoạch triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hoạt động của Ủy ban theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1200/VPCP-ĐMDN ngày 14/4/2023 của Văn phòng Chính phủ.

Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm, nhất là các vấn đề đã có thời hạn yêu cầu trình Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, trong đó, phải hoàn thành xử lý dứt điểm trong tháng 5 năm 2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án, doanh nghiệp: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tuyển chọn công khai, minh bạch để tìm được người tài, đồng thời nghiên cứu chế độ, chính sách cho phù hợp với quy định, quy chế của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Khẩn trương phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành trước ngày 30/5/2023: - Chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm giai đoạn 2021-2025 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc; 

- Chủ trương sắp xếp giai đoạn 2022-2025 của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy định tại Phụ lục IV Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025;

- Tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, cơ quan theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để tổng hợp hoàn thiện, hoàn thành phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ cấu lại của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”, nhất là Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Chủ động, quyết liệt trong xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc, góp phần phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, miền, địa phương và đóng góp ngày một tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.

Tích cực, kịp thời nắm bắt tình hình tốt hơn, nhất là những khó khăn, vướng mắc lớn, là điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, khẩn trương giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; phối hợp, kiến nghị các bộ, ngành hoặc tham mưu cho Chính phủ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, vấn đề phát sinh mới.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp theo quy định; chủ động, quyết liệt trong xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhất là trong công tác phối hợp, xin ý kiến các bộ, cơ quan khi thực hiện các nhiệm vụ có liên quan và trong quá trình triển khai các nhiệm vụ; cần rà soát kỹ quy định pháp luật, thể hiện rõ quan điểm, giải pháp xử lý cụ thể, nêu rõ vấn đề cần xin ý kiến các bộ, cơ quan theo lĩnh vực quản lý nhà nước để các cơ quan có cơ sở tham gia ý kiến.

80-1652953687168106547045-1683560355-1683606309.jpeg

Ảnh minh họa.

Chủ động tìm kiếm và triển khai các dự án mới để đầu tư

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo ra khí thế, tư duy, phương pháp luận mới, cách tiếp cận mới để quyết tâm làm, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành.

Với tinh thần trách nhiệm đó, chủ động tìm kiếm và triển khai các dự án mới để đầu tư, đặc biệt là các dự án liên quan đến giao thông, năng lượng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu,...

Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó chú trọng việc đổi mới mô hình quản trị kinh doanh theo hướng hiện đại, thích ứng với điều kiện mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm.

Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của Nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ. Nghiên cứu, gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ngành, lĩnh vực mới nổi.

Hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch được giao, phấn đấu vượt kế hoạch, góp phần cao nhất bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, đặc biệt chú ý bảo đảm các cân đối lớn về điện, than, dầu khí, xăng dầu, các sản phẩm là nguyên liệu cho các ngành sản xuất và cho an ninh quốc phòng, vận tải hành khách, hàng hóa, các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đề cao nhân tố văn hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tôn trọng quy luật khách quan của kinh tế thị trường, tôn trọng quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh; góp phần cùng với Chính phủ, các bộ, ngành điều tiết kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực

Các bộ, cơ quan liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để gắn chiến lược phát triển của DNNN với phát triển ngành, lĩnh vực nhằm phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước, gồm:

- Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia của Bộ Công Thương;

- Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc của Bộ Giao thông vận tải;

- Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Quy hoạch ngành lâm nghiệp quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trường hợp chưa thể ban hành các chiến lược ngành, trong tháng 5 năm 2023 cần có hướng dẫn Ủy ban và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hướng xử lý để không ảnh hưởng tới việc xây dựng, ban hành chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Khẩn trương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo nhiệm vụ đã được Chính phủ phân công tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào phát triển kinh tế xã hội.

Tích cực, kịp thời phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc để khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất,... của doanh nghiệp; đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc là điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp; trước mắt, tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề theo kiến nghị của Ủy ban và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong tháng 5 năm 2023.

Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền để phân cấp mạnh mẽ hơn cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc thực hiện các quyền của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về công tác quản lý vốn nhà nước và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế

Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội dự án Luật sửa đổi căn bản, toàn diện Luật số 69/2014/QH13 theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 2738/VPCP-PL ngày 21/4/2023; phấn đấu trình Quốc hội thông qua và ban hành tại kỳ họp tháng 10 năm 2023.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách riêng để phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023.

Khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước để phù hợp hơn với yêu cầu quản lý doanh nghiệp, đổi mới quản lý của chủ sở hữu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo tính linh hoạt, chủ động trong hoạt động của Ủy ban cũng như doanh nghiệp và gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

Nghiên cứu cơ chế thúc đẩy DNNN mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo kịp tốc độ phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; thay đổi mô hình kinh doanh của nền kinh tế toàn cầu, xu thế phát triển trên thế giới; cơ chế lựa chọn tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành DNNN hoặc một phần tài sản, dự án của DNNN trong thời gian nhất định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tạo điều kiện thực hiện đầu tư cho các vườn ươm trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo,...; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả Chỉ thị này; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; kịp thời báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và giải pháp khắc phục trong quá trình thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này trong tháng 12 năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "Đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động" tại chuyên mục Xã hội. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).