Theo đó, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh là 46.413 ha, sản lượng trên 463 nghìn tấn, trong đó cây có múi là 10.064 ha, sản lượng 192,4 nghìn tấn; cây nhãn là 5.515 ha, sản lượng 51,9 nghìn tấn; cây xoài là 16.764 ha, sản lượng 178,1 nghìn tấn. Diện tích sản xuất cây ăn trái hữu cơ là 548 ha.
Đồng Tháp đề ra chỉ tiêu phấn đấu đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%. Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt 30% (VietGAP và tương đương), diện tích áp dụng tưới nước tiên tiến, tiết kiệm 20 - 30%.
Trồng xoài hữu cơ tại Đồng Tháp. (Ảnh: Báo Đồng Tháp)
Căn cứ kế hoạch được phê duyệt, các huyện, thành phố tiến hành xác định quy mô vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, gắn sản xuất, thu mua, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.
Việc phát triển cây ăn trái cần theo định hướng thị trường, định hướng của các cơ quan quản lý, tại những vùng có điều kiện đất đai, sinh thái phù hợp; tránh phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào gây ra tình trạng cung vượt quá cầu, dư thừa, giá bán thấp.
Bên cạnh đó, chọn tạo giống cây ăn trái năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây ăn trái chất lượng, sạch bệnh cho trồng mới, tái canh và ghép cải tạo.
Hoàn thiện quy trình nhân giống cây ăn trái sạch bệnh; kỹ thuật rải vụ thu hoạch, quy trình canh tác tiên tiến, công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Phát triển ứng dụng, phần mềm số hóa cơ sở dữ liệu sản xuất, thông tin thị trường để phục vụ sản xuất và định hướng thị trường tiêu thụ./.