Trong phiên giao dịch ngày 3/10, có thời điểm giá trị đồng yên giảm xuống ngưỡng145,3 JPY đổi 1 USD, đưa mức giảm của đồng tiền này so với đồng USD trong năm nay lên lại ngưỡng 21%. Ngày 22/9, tỷ giá đồng yên giảm xuống ngưỡng 145,9 JPY đổi 1 USD, thấp nhất 24 năm gần đây, trước khi BoJ chính thức can thiệp thị trường.
“Nếu đà giảm của đồng yên diễn biến một chiều hoặc tương tự, chúng tôi chắc chắn sẽ có những động thái quyết liệt”, theo Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nhận định. “Quan điểm đó vẫn chưa hề thay đổi”.
Hiện, đồng Yen đã giảm 32% giá trị so với đồng bạc xanh. Trong tháng 9, Bộ Tài chính Nhật Bản đã chi ra 19,6 tỷ USD để làm chậm lại đà trượt giá của đồng Yen. Chính phủ Nhật Bản đã lựa chọn hành động vì đồng Yen giảm giá đồng nghĩa với việc chi phí nhập khẩu các mặt hàng như năng lượng và thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến cả các hộ gia đình lẫn doanh nghiệp.
Khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng rộng đã kích thích hoạt động mua đồng USD và khiến đồng Yen suy yếu, đồng thời gây ra biến động trên thị trường chứng khoán.
Các quan chức lĩnh vực ngân hàng có thể tiếp tục can thiệp thị trường “nhưng lịch sử cho thấy điều đó sẽ không phát huy hiệu quả trong dài hạn nếu như các giải pháp can thiệp thiếu tính liên kết với nhau”, theo Christopher Wong, Chiến lược gia tại Oversea-Chinese Banking Corp có trụ sở tại Singapore. “Đồng yên tiếp tục đối diện với rủi ro giảm điểm nếu như BoJ duy trì quan điểm trái ngược so với Fed và nhiều ngân hàng trung ương khác”, ông nói.
Tính tới ngày 31/8, Nhật Bản còn khoảng 1.290 tỷ USD dự trữ ngoại hối, trong đó có khoảng 135,5 tỷ USD là các khoản thế chấp với một số ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.