Cảng vụ HKMN cho biết lượng hàng khách qua Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã bắt đầu suy giảm sau nhiều ngày liên tiếp đạt đỉnh trong cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Tổng lượng khách trong ngày đạt 134.386, rơi khỏi mốc tiệm cận 150.000 và dự kiến tiếp tục suy giảm trong những ngày kế tiếp.
Gần 400 chuyến bay 'rỗng' từ Tân Sơn Nhất. (Ảnh minh họa).
Liên tiếp trong 5 ngày cao điểm từ 26/1 - 30/1, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 720.000 lượt hành khách. Trong đó, lượng hành khách bay quốc nội đến Tp.HCM tăng vọt so với cao điểm bắt đầu kỳ nghỉ Tết nguyên đán, chiếm hơn 60% tổng sản lượng.
Trong cao điểm người dân đáp chuyến bay từ miền Bắc, miền Trung trở lại Tp.HCM làm việc, các hãng hàng không cũng liên tục phải thực hiện các chuyến bay rỗng (ferry flight) để đón hành khách vào phía Nam.
Từ ngày 26/1 - 30/1, đã có tổng cộng 399 chuyến bay rỗng cất cánh từ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, chủ yếu là tàu bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Theo đại diện sân bay Tân Sơn Nhất, các hãng phải bay ferry để đến đón khách do chênh lệch nhu cầu đi và đến Tp.HCM quá lớn. Một số ít trường hợp liên quan đến vấn đề kỹ thuật, bảo trì tàu bay, sân đỗ không đủ vị trí nên phải bay đến các sân bay khác.
Cũng chính bởi số lượng chuyến bay rỗng quá nhiều nên giá vé chiều bay từ Nội Bài đi Tân Sơn Nhất không rẻ như kỳ vọng của nhiều hành khách. Chi phí của một chuyến bay rỗng được cho là không thấp hơn nhiều so với một chuyến bay khai thác thương mại thông thường.
Tình trạng hàng không lệch tải không chỉ xảy ra với các hãng bay tại Việt Nam mà còn khá phổ biến trên toàn thế giới.
Năm 2022, Lufthansa - hãng bay lớn nhất của Đức, chiếm đến 17% lưu lượng hàng không của thị trường châu Âu cũng phải đối mặt với tình trạng 18.000 chuyến bay rỗng chỉ trong vòng 6 tháng để giữ chỗ tại các sân bay theo quy định của châu Âu.