Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến 20/2, tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh, góp vốn, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 39% so với cùng kỳ năm 2023.
Gần 4,3 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam sau 2 tháng Tết.
Về hoạt động kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong tháng 2 tháng đầu năm. Kết quả ghi nhận xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt 48,9 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ và chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Bên cạnh đó, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 39,5 tỷ USD và tăng gần 30% đồng thời chiếm 64% kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung trong hai tháng, khu vực đầu tư nước ngoài đã xuất siêu xấp xỉ 10 tỷ USD (kể cả dầu thô). Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 4,3 tỷ USD.
Hiện Singapore đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,1 tỷ USD, chiếm 48,5% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2023. Thứ hai là Hongkong (Trung Quốc) với gần 525,7 triệu USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp 5 lần so với cùng kỳ; tiếp đó là Nhật Bản, Trung Quốc…
Báo cáo cũng cho biết đăng ký cấp mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Số lượng dự án đăng ký mới tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2022 với một số dự án lớn có quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 2 tháng đầu năm gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư điều chỉnh tuy vẫn giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm được cải thiện so với tháng 1. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng 19,5% so với cùng kỳ, thay vì giảm 15,7% so cùng kỳ trong tháng 1. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Tính lũy kế đến ngày 20/02, cả nước có 39.553 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 473,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 300 tỷ USD, bằng gần 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.