Tuyên bố chung sau cuộc họp của OPEC+ nêu rõ, các nước tham gia đã quyết định điều chỉnh tổng sản lượng dầu thô chung của OPEC và các nước đối tác ngoài OPEC xuống còn 40,46 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ ngày 01/01/2024 cho đến ngày 31/12/2024.
OPEC+ cho rằng, sự thay đổi này phù hợp với cam kết liên tục của hiệp hội và các đối tác bên ngoài, dẫn đầu là Nga, “nhằm hướng đến và duy trì thị trường dầu mỏ ổn định, đồng thời đưa ra định hướng dài hạn cho thị trường”, trong đó, có tính đến cách tiếp cận chủ động và đón đầu thành công của những năm trước.
Theo các cam kết sửa đổi trên bảng số liệu do OPEC công bố, Saudi Arabia sẽ duy trì sản lượng dầu thô ở mức 10,478 triệu thùng/ngày, trong khi Nga sẽ cắt giảm sản lượng hàng ngày thêm 650.000 thùng xuống còn 9,828 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2024. “Đây là mức sản xuất cần thiết cho tháng 2/2023, được đánh giá theo mức trung bình của các nguồn thứ cấp và có thể được sửa đổi vào tháng 6/2023 vì Nga đang phối hợp với các nguồn thứ cấp để cập nhật số liệu sản xuất”, ghi chú của OPEC nêu rõ.
Ước tính, các cam kết sửa đổi của OPEC+ sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức tổng cộng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Ảnh minh họa.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz cho biết: “Chúng tôi gồm 23 quốc gia. Chúng tôi muốn làm lạnh chiếc bánh. Chúng tôi không muốn mọi người cố gắng dự đoán những gì mình làm; thị trường này cần sự ổn định và chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để đem lại sự ổn định cho thị trường năng lượng".
Theo đánh giá của giới phân tích, động thái của OPEC+ đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng nhóm này sẵn sàng hỗ trợ giá và cố gắng ngăn chặn các nhà đầu cơ. Theo ông Amrita Sen, nhà đồng sáng lập tổ chức tư vấn Các khía cạnh năng lượng, đây là một tín hiệu rõ ràng cho thị trường rằng OPEC+ sẵn sàng đưa ra và bảo vệ mức giá sàn. OPEC+ đã thực hiện tốt các mối đe dọa của họ đối với các nhà đầu cơ và rõ ràng họ muốn giá dầu cao hơn.
Thừa nhận thực tế này, trong một tuyên bố trước báo giới sau đó, Bộ trưởng Năng lượng UAE Mazrouei chia sẻ: "Điều quan trọng là thị trường cần sự ổn định cũng như tăng cường sự đầu tu vào thị trường này. Tôi cũng cảm ơn Saudi Arabia khi tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng dầu mỏ".
OPEC cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới. Vì vậy, các quyết định chính sách của tổ chức này có thể tác động lớn đến giá dầu.
Trong cuộc họp ngày 04/6, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia thông báo, kể từ tháng 7/2023, nước này tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác ở mức 1 triệu thùng/ngày và có thể kéo dài khoảng thời gian cắt giảm nếu nước này thấy cần thiết.
Ngay sau thông báo cắt giảm của OPEC+, giá dầu hợp đồng tương lai giao dịch tại châu Á sáng nay (5/6) đã tăng 2,5%. Dầu Brent lên mức 78 USD/thùng.
Một số quốc gia khác trong khuôn khổ OPEC+ gồm Iraq, Oman, Algeria, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu ở các mức lần lượt là 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày, 48.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 144.000 thùng/ngày cho tới cuối năm 2024.
Trước đó, các quốc gia phương Tây đã cáo buộc OPEC thao túng giá dầu và làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu thông qua chi phí năng lượng cao.
OPEC+ sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo tại Vienna (nước Áo) vào ngày 26/11 năm nay.