Giá lúa gạo hôm nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng mạnh với cả lúa và gạo.
Cụ thể, tại kho An Giang, giá lúa OM 5451 và OM 18 tiếp tục điều chỉnh tăng 100 – 300 đồng/kg. Hiện, lúa OM 5451 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.700 – 6.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 6.900 – 7.100 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg. Giá lúa IR504 đang được thương lái thu mua ở mức 6.700 – 6.900 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 6.900 – 7.100 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá từ 6.600 - 6.800 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg.
Lúa nếp Long An (tươi) ở mức 6.300 – 6.600 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 6.000 – 6.300 đồng/kg; nếp AG (khô) ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; nếp Long An (khô) có giá 7.700 - 7.900 đồng/kg.
Ảnh minh họa.
Hôm nay, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm cũng điều chỉnh tăng 100 – 200 đồng/kg. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 10.400 – 10.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Gạo thành phẩm ở mức 11.900 – 12.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm tăng 50 – 100 đồng/kg. Cụ thể, giá tấm IR 504 dao động 9.900 – 10.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Giá cám khô cũng tăng 50 đồng/kg lên mức 7.400 đồng/kg.
Các thương lái cho biết, hôm nay, lượng gạo về ít hơn hôm qua, giá gạo neo cao. Giá lúa chào bán tiếp tục tăng. Lúa gần ngày cắt được thương lái hỏi mua nhiều.
Theo ghi nhận tại một số chợ lẻ, giá gạo thường hôm nay ở mức 11.500 - 12.500 đồng/kg; nếp ruột vẫn ổn định ở mức 14.000 - 16.000 đồng/kg. Gạo Nàng Nhen có giá 22.000 đồng/kg. Gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 - 19.000 đồng/kg; Gạo thơm Jasmine giá 15.000 - 16.000 đồng/kg. Gạo Hương Lài giá 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng giá 14.500 đồng/kg; Gạo Nàng Hoa giá 18.500 đồng/kg; Gạo Sóc thường dao động 14.000 - 15.000 đồng/kg. Gạo Sóc Thái giá ổn định 18.000; Gạo thơm Đài Loan có giá là 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg và cám duy trì mức 8.500 - 9.000 đồng/kg.
Giá gạo xuất khẩu hôm nay chững lại sau phiên điều chỉnh tăng. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 533 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 513 USD/tấn.
Các doanh nghiệp cho rằng, gạo Việt Nam hưởng lợi về giá khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhưng không được nhiều vì nguồn cung gạo Việt Nam bị giới hạn. Dự kiến năm nay sản lượng gạo dành cho xuất khẩu của Việt Nam khoảng 6,5 triệu tấn nên những tháng cuối năm chỉ còn khoảng 2,5 triệu tấn. Hiện, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó rất khó khăn khi phải thu mua gạo giá cao để giao dẫn đến hiệu quả kinh doanh kém.
Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, để giữ vững vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới, các địa phương cần nâng cao chất lượng bằng các giống lúa đặc sản; hướng dẫn nông dân giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận; liên kết nông dân và doanh nghiệp...
Khả năng năm sau sẽ rơi vào hạn hán, thiếu nước ở một số vùng cục bộ. Vì thế nông dân cần tính toán kỹ việc xuống giống tránh vì lợi nhuận trước mắt mà ào ạt xuống giống lúa vụ 3 ở những vùng đất không thuận lợi, nguy cơ bị ngập úng ảnh hưởng vụ mùa, ông Điền khuyến cáo.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm nay ước đạt 539 USD một tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, gạo Việt có cơ hội tăng giá và ký hợp đồng lâu dài với các đối tác khi Ấn Độ nước cung ứng lớn nhất thế giới cấm xuất khẩu mặt hàng này.