Hôm nay (1/6) là thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Trong kỳ điều hành này, nhà điều hành đã đồng loạt tăng giá xăng dầu trong nước.
Cụ thể trong kỳ điều chỉnh lần này, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 920 đồng/lít, lên mức 31.570 đồng/lít; Xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít, lên mức 30.230 đồng/lít.
Giá dầu DO 0,05s-II tăng 840 đồng/lít, lên mức 26.390 đồng/lít; dầu hoả tăng 940 đồng, lên mức 25.340 đồng/lít; dầu mazut tăng 310 đồng, lên mức 20.900 đồng/lít.
Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 14 kỳ điều chỉnh, trong đó 11 kỳ điều chỉnh tăng và chỉ 3 kỳ điều chỉnh giảm.
Cũng trong kỳ điều chỉnh này, xăng RON95 và RON92 không thực hiện trích lập, cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu. Trong khi đó, dầu DO 0,05s-II và dầu hoả trích lập 100 đồng/lít vào Quỹ bình ổn, dầu mazut trích lập vào quỹ 300 đồng/lít.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, hết quý I Quỹ bình ổn xăng dầu âm khoảng 170 tỷ đồng. Tại một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn đang bị âm quỹ như: Petrolimex âm 15 tỷ đồng ngày 23/5; PVOil âm hơn 1.012 tỷ đồng.
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu tỏ ra sốt ruột với tình hình giá cả leo thang liên tục. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức vì giá cả xăng dầu tăng cao. Ông đề nghị cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, gắn 2 biến số quan trọng là giá lương thực và giá xăng dầu.
Giá dầu thô thế giới bắt đầu tăng sau khi giới chức Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận cấm 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay. Trong chu kỳ 30 ngày, giá dầu đã tăng trên dưới 15%.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu đang cao hơn khoảng 76%. Các hợp đồng dầu giao tháng 8 cũng dịch chuyển 3,66% đối với loại WTI và 2% đối với với Brent. Hiện hai hợp đồng này đang được giao dịch lần lượt 116,34 USD/thùng và 119,96 USD/thùng.