Thông qua Triển lãm, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động kinh tế
Tại Khu triển lãm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thôn 1, xã Bát Tràng. Trên diện tích gần 2.000m2, được bố trí các khu trưng bày gồm: Khu trưng bày sản phẩm mới, thiết kế sáng tạo và làng nghề; Khu trưng bày trung tâm và khu gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, nghệ nhân ngành gốm sứ trên địa bàn huyện Gia Lâm (tương đương 80 gian hàng tiêu chuẩn).
Tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm gốm Giang Cao, du khách có thể tìm hiểu nhiều sản phẩm gốm sứ nổi tiếng với chất men phủ, men màu búp dong, loại men này có độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám, trong và sâu. Các sản phẩm gốm Kim Lan tại Triển lãm lại không quá cầu kì về chi tiết, tập trung vào sự tiện dụng, thoải mái cho người sử dụng. Sản phẩm gốm Bát Tràng nổi bật với sản phẩm gốm men lam, men ngọc, men rạn, men nâu, men trắng. Kiểu dáng sản phẩm và trang trí mẫu mã đa dạng. Đặc biệt Triển lãm giới thiệu nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) đã đạt giải thưởng lớn tại nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế, mang tới người xem sức hấp dẫn đặc biệt của dòng gốm sứ cổ truyền Việt.
Các sản phẩm làng Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan hầu hết đều sản xuất thủ công, nguyên liệu tạo gốm và tạo dáng sản phẩm gốm, sứ bằng tay trên bàn xoay, việc sử dụng các loại men khai thác trong nước tạo lên những sản phẩm cầm chắc tay, nặng, lớp men trắng ngà hoặc đục, thể hiện tài năng sáng tạo người thợ xã Bát Tràng được lưu truyền nghề qua nhiều thế hệ. Các làng nghề gốm cũng đang là những điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách, tới thăm quan, trải nghiệm kỹ thuật làm gốm cổ truyền Việt Nam. Triển lãm các sản phẩm OCOP, TCMN làng nghề xã Bát Tràng 2023, diễn ra đến ngày 17/12/2023.
Triển lãm các sản phẩm OCOP, TCMN và làng nghề xã Bát Tràng, Gia Lâm 2023 là dịp liên kết các nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp; các Viện nghiên cứu, Trường Đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã nói chung và huyện Gia Lâm nói riêng.
Thông qua Triển lãm, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo, phát huy những ý tưởng, thiết kế ra những mẫu sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng; từ đó có thể phát triển, hình thành điểm đến về thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm các làng nghề gắn với phát triển du lịch./.