Triển khai chiến lược và các kế hoạch phát triển xanh, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nhiều địa phương trên khắp cả nước đã bước đầu gặt hái thành công trong việc nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, bảo vệ nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp…; đồng thời mở hướng phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch…
Cùng với việc hình thành các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làng nghề…, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã chú trọng sử dụng nguyên, vật liệu tự nhiên, hóa chất không gây độc hại trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời ứng dụng công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế, cải tiến quy trình theo hướng sản xuất xanh, kinh tế xanh.
Kết quả cho thấy, chất lượng nông sản ngày một tăng, quy mô sản xuất ngày một lớn, sức cạnh tranh ngày càng cao. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ là minh chứng rõ nét cho thành công này.
Tuy nhiên, nông nghiệp nước nhà cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức: Diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhu cầu lương thực, thực phẩm gia tăng, trong khi nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, lượng tồn dư trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học… vẫn là vấn đề “nóng”, gây rủi ro, nguy hại cho môi trường, tác động trực tiếp đến đời sống người dân.
Để hóa giải những khó khăn, thách thức, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển nông nghiệp xanh, hình thành nếp sống hài hòa giữa con người và tự nhiên…, trước hết ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tạo đột phá mới bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường… Cùng với đó là tận dụng tối đa ưu thế tự nhiên của các vùng miền cho phát triển nông nghiệp, bảo đảm sự tương tác với môi trường sinh thái.
Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn TP. Hà Nội đang phát triển các mô hình nông nghiệp xanh theo hướng an toàn và thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng cao của thị trường.
Giám đốc Hợp tác xã rau quả an toàn Hồng Hà (huyện Phú Xuyên) Đồng Thị Vinh chia sẻ, để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường…, hợp tác xã yêu cầu các thành viên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến sản phẩm… Hiện tại, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch 5 tạ rau, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh thu 3,5 - 4 triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) có 5ha trồng rau hữu cơ, hơn 1.500ha bưởi Diễn trồng theo hướng an toàn. Với mục đích tạo nguồn thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, hợp tác xã không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp an toàn tăng 15 - 20% so với sản phẩm sản xuất theo phương thức cũ.
Đơn cử như huyện Đông Anh đã quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180ha, trong đó có hơn 500ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Để kiểm soát chất lượng sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm khoảng 15% so các năm trước, nông dân sử dụng chủ yếu là phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo mộc trong sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, các mô hình nông nghiệp xanh, hữu cơ của Hà Nội phát triển tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Chương Mỹ... Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh bảo đảm yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô mà một số sản phẩm còn xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp "xanh" còn góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Hiệu quả của nông nghiệp xanh, an toàn đã rõ nét, song việc sản xuất vẫn có một số khó khăn, như: Trong quá trình canh tác theo hướng hữu cơ, chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ; phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh... bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng...
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có diện tích canh tác hữu cơ đạt 1,5-2% tổng diện tích đất trồng trọt; sản xuất nông nghiệp "xanh" sẽ trở thành mũi nhọn trong ngành Nông nghiệp Thủ đô.
Đồng thời, để giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức các buổi tập huấn trồng rau, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn. Cùng với đó, hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản đặc trưng của địa phương nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại, không được sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục cho phép. Hà Nội cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, xây dựng thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về lâu dài, nông dân cần mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước./.