Vụ Đông 2022, Hà Tĩnh đặt kế hoạch gieo trồng 11.524 ha rau màu với các loại cây trồng chủ lực như: ngô, rau các loại, khoai lang. Trong đầu vụ sản xuất, từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng khiến một số diện tích ở các địa phương phải gieo trồng lại, tiến độ bị ảnh hưởng lớn.
Gần 2 tuần trở lại đây, thời tiết khá thuận lợi nên bà con nông dân các địa phương đã tập trung ra đồng làm đất, gieo trỉa hạt giống, trồng các loại rau màu…
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, đến đầu tháng 11, các địa phương đã xuống giống được 7.203/11.524 ha, đạt trên 62% kế hoạch.
Cụ thể, diện tích ngô lấy hạt, ngô sinh khối đạt 2.990/5.500 ha; rau 3.270/4.519 ha; khoai lang 943/1.500 ha. Một số huyện có tỉ lệ diện tích hoàn thành xuống giống cao như: Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Vũ Quang...
Với huyện Hương Khê, vụ đông được xem là vụ sản xuất chính trong năm. Do đó, vụ đông năm 2022, huyện Hương Khê có kế hoạch sản xuất 2.731 ha các loại cây trồng cạn; trong đó gieo trỉa 2.300 ha ngô, trồng 81 ha khoai lang và 350 ha rau các loại.
Để động viên bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất, không để diện tích bỏ hoang; vừa tạo nguyên liệu thức ăn phục vụ chăn nuôi. Năm nay, huyện Hương Khê tiếp tục hỗ trợ tiền mua giống ngô để gieo trỉa trong vụ đông; hiện đã cung ứng gần 48.700 kg ngô giống đến tận hộ dân. Vì vậy, đến nay bà con nông dân toàn huyện đã làm đất trên 95% diện tích; gieo trỉa ngô đạt trên 75%; khoai lang và rau màu các loại đạt 50%. Phấn đấu trong những ngày tới sẽ khép kín diện tích sản xuất vụ đông.
Còn tại huyện Vũ Quang, những ngày này, nông dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung huy động máy móc, nhân lực để phủ kín các diện tích hoa màu vụ đông theo kế hoạch.
Vụ Đông năm nay, huyện Vũ Quang sẽ gieo trỉa 450 ha ngô và 80 ha rau các loại. Hiện, toàn huyện đã gieo trỉa được 385/450 ha ngô vụ đông (đạt 85,5% kế hoạch); rau các loại đạt 75/80 ha (đạt trên 93% kế hoạch).
Để kịp thời vụ, thời điểm này, bà con nông dân đang gấp rút ra đồng sản xuất, phấn đấu gieo trỉa xong các diện tích trước ngày 10/11.
Ông Phan Xuân Nam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vũ Quang cho biết: "Những ngày qua, thời tiết nắng ấm, nên bà con đã hoàn thành việc làm đất, đã gieo trỉa được 385 ha. Để đạt năng suất cao, phòng nông nghiệp khuyến khích bà con trỉa các loại giống cao sản như: CP3Q, CP111, CP511, CP512, CP 311... Bên cạnh đó, phòng cũng đã chỉ đạo các địa phương tập trung đôn đốc bà con tập trung ra đồng gieo trỉa, quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất theo đúng lịch thời vụ".
Riêng huyện Lộc Hà, do thời tiết khắc nghiệt, cây trồng dễ bị hư hại vì mưa bão và sâu bệnh, sản xuất mang tính nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, hiệu qủa sản xuất thấp... nên khoảng 3 năm về trước, người dân thị trấn Lộc Hà không mặn mà với sản xuất vụ Đông, kế hoạch canh tác nhiều năm không đạt.
Các địa phương ở Lộc Hà phấn đấu phủ kín 553 ha cây trồng các loại trong vụ Đông năm nay, nhiều hơn vụ Đông năm ngoái 112 ha. Theo đó, toàn huyện sẽ làm 100 ha ngô (giống HN88, HN68, P4199...); 242 ha rau (các loại cải, su hào, súp lơ, kiệu, cà rốt, dưa chuột...); 211 ha khoai lang (giống chiêm bông, Hoàng Long...). Các địa phương có kế hoạch sản xuất vụ Đông nhiều là Thịnh Lộc, thị trấn Lộc Hà, Thạch Châu, Mai Phụ, Thạch Mỹ, Bình An...
Thế nhưng, vài năm gần đây, tình hình sản xuất vụ Đông ở thị trấn Lộc Hà đang có những chuyển biến tích cực. Riêng vụ đông năm 2021, địa phương này làm gần 50 ha, trong đó có 26 ha rau các loại, 19 ha khoai lang, gần 5 ha ngô... Đây được xem là tiền đề tốt để vụ Đông năm nay, địa phương mở rộng thêm 7 ha và sản xuất đạt hiệu quả tốt hơn.
Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Nam Sơn (xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà) chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi cơ bản bỏ hoang ruộng trong vụ Đông vì sản xuất không hiệu quả. Vài năm trở lại đây, được chính quyền vận động, tuyên truyền và chỉ đạo sát sao nên gia đình quyết tâm khắc phục khó khăn để sản xuất vụ Đông. Năm nay, tôi làm 3 sào khoai chiêm bông và 1 sào cải cay ở vùng đồng cao. Ngoài cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng/sào thì sản xuất vụ Đông còn giúp gia đình giải quyết lao động nông nhàn, tạo nguồn thức ăn cho 4 con bò, làm sạch cỏ trên ruộng để sản xuất vụ xuân thuận lợi, hạn chế việc đồng ruộng bị hoang hóa".
Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, tiến độ sản xuất vụ Đông năm 2022 đang được đẩy nhanh, chỉ trong vòng gần 1 tuần, diện tích xuống giống đã tăng từ 54% lên trên 62%. Thời gian sản xuất trong khung thời vụ không còn nhiều, các địa phương cần lưu ý để bố trí xuống giống phù hợp, nhất là đối với diện tích ngô sinh khối và ngô lấy hạt.
Cùng với xây dựng các phương án và giải pháp tổ chức sản xuất cụ thể, phù hợp với từng vùng đồng, từng loại cây trồng, cho từng thời điểm thì ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang chủ động bám địa bàn để tuyên truyền bà con bám sát lịch thời vụ; hướng dẫn kỹ thuật canh tác từng loại cây trồng; cung ứng đủ giống và phân bón; sẵn sàng hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh...