Cụ thể, Hiệp hội Điều Việt Nam đã đề xuất giảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu điều nhân năm nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh giảm 600 triệu USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm 2022, tức là chỉ còn xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD.
Lý giải cho đề xuất trên, Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, sau dịch Covid-19, tình hình xuất khẩu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn. Giá cước tàu biển vẫn còn ở mức cao, giá điều nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu.
Hiện, giá điều thô đã tăng từ 15-20% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá điều nhân bán ra lại giảm 5%, chỉ đạt 5.792 USD/tấn. Không chủ động được nguyên liệu khiến cho các nhà máy khó cân đối để hòa vốn, thậm chí lỗ vốn. Hạn chế sản xuất đang là giải pháp trước mắt của nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội Điều Việt Nam thông tin.
Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh minh họa
Ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nói: "Nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng sản xuất. Doanh nghiệp nhỏ thì ngừng sản xuất, doanh nghiệp lớn thì sản xuất cầm chừng vì nguyên liệu đã hình thành giá rồi. Họ không chịu bán rẻ nguyên liệu. Nếu cố sản xuất thì càng sản xuất càng lỗ. Do đó, giải pháp là tạm dừng sản xuất".
Hiệp hội Điều Việt Nam cũng khuyến cáo, về lâu dài, các doanh nghiệp cần tập trung công nghệ cao để chế biến sâu cho xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị cho hạt điều. Ngoài ra, cần tập trung chất lượng để đẩy mạnh vào một số thị trường tâm điểm, nhập khẩu mạnh hạt điều của Việt Nam, đặc biệt là những thị trường có ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTAs) để vận dụng tối đa những ưu đãi về thuế nhập khẩu góp phần giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.