Hỗ trợ kết nối, chuyển giao khoa học kỹ thuật
Những năm gần đây, vai trò của các cấp Hội làm vườn Nghệ An càng được khẳng định khi giúp các hội viên khắc phục khó khăn, chuyển đổi cơ cấu linh hoạt, triển khai nhiều mô hình VAC, mô hình vườn mẫu Nông thôn mới (NTM) mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Tính đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 700 vườn chuẩn đã và đang hoàn thiện để cấp giấy chứng nhận, đến thời điểm này được khoảng 300 vườn đã được cấp giấy chứng nhận vườn chuẩn.
Những năm qua, Hội Làm vườn Nghệ An đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho nhiều nông dân triển khai các mô hình nông nghiệp.
Từ sự chỉ đạo của Hội Làm vườn Nghệ An, các cơ sở hội trong toàn tỉnh đăng ký nhiều mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên thoát nghèo. Nhiều đơn vị có mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Mô hình trồng rau sạch của hộ ông Trần Ngọc Quyết, xóm Trung Mỹ, xã Hưng Đông, dùng chế phẩm xử lý rác thải trong vườn thành phân hữu cơ, dùng máy để làm đất, trồng rau sạch và hoa trong vườn chuẩn nông thôn mới, cho thu nhập cao; mô hình nuôi lươn không bùn tại xã Tân Sơn (Đô Lương); mô hình trồng cây cảnh ở Nghi Ân (TP. Vinh)...
Cùng với đó, Hội Làm vườn tỉnh tập trung đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật, tư vấn giới thiệu việc làm nhằm tạo thêm điều kiện giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Bình quân mỗi năm, các cấp hội trong tỉnh phối hợp tổ chức được 612 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 33.107 học viên tham gia.
Ngoài ra, các cấp hội còn tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình, đề án, dự án của các cấp các ngành để hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điển hình, nhân ra diện rộng. Điển hình như, Hội Làm vườn huyện Thanh Chương với dự án SODI/BMZ có tổng số vốn 520 triệu đồng, cho 52 hộ vay vốn để chăn nuôi gà tại xã Thanh Lâm, Đồng Văn, Thanh Liên, vốn vay Dự án SCF/UK với số tiền 217 triệu đồng cho 10 hộ vay nuôi gà, bò tại xã Thanh Tiên, Thanh Hương, Thanh Phong. Hội Làm vườn huyện Đô Lương phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ cho mô hình nuôi lươn không bùn tại xã Tân Sơn 300 triệu đồng, nuôi dúi tại Mỹ Sơn 200 triệu đồng.
Tập huấn chế tạo và sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc vào sản xuất. Điển hình như Hội Làm vườn huyện Yên Thành đã phối hợp Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định phân bổ kinh phí sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, sử dụng chế phẩm biogreen xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất năm 2022 với tổng kinh phí 924 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ là 620.400.0000 đồng (chế phẩm và một phần kinh phí mua phụ gia). Có 15 đơn vị đăng ký sản xuất phân HCVS với số lượng 3.300 tấn. Có 11 đơn vị đăng ký sử dụng chế phẩm Biogreen xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất với tổng số lượng chế phẩm 1.500kg xử lý 1.875.000 m2 đất.
Mô hình liên kết trồng sâm Thổ Hào mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ông Nguyên Thế Thắng - Chủ tịch Hội Làm vườn Nghệ An đánh giá: "Mặc dù, còn nhiều hạn chế, song có thể nói, những kết quả đạt được đã ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội Làm vườn ở các cấp trong phong trào làm kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn NTM và công cuộc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu... góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời phát huy vai trò trung tâm của Nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao".
Xây dựng liên kết, nhân rộng mô hình hiệu quả
Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, sản xuất theo chuỗi, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác của Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An. Trong bối cảnh kinh tế thị trường có nhiều diễn biến phúc tạp thì các mô hình VAC, vườn mẫu không những là cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; mà còn giúp nông dân ổn định sản xuất vượt qua khó khăn, thoát nghèo hiệu quả. điều đó được thể hiện rõ nét ở huyện Thanh Chương.
Xác định rõ tình hình thực tế tại địa phương, trong thời gian qua, Hội Làm vườn huyện Thanh Chương đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở hội khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mô hình nuôi vịt công nghệ cao, hộ anh Đinh Nho Phú Quý được hỗ trợ kỹ thuật.
Với cơ chế hỗ trợ của tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương người dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất hoa, rau, củ quả trong nhà lưới (màng), xây dựng các khu chăn nuôi hiện đại. Cùng với đó, trong quá trình triển khai thực hiện Hội Làm vườn huyện Thanh Chương đã hối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết, mô hình tổ hợp tác. Tập huấn cách nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm làng nghề và cách tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu và giá cả vật tư phân bón tăng cao.
Tiêu biểu, mô hình trồng cây dược liệu trên đất Thanh Chương là "điểm sáng" trong liên kết phát triển kinh tế. Theo đó, từ năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, Hội Làm vườn huyện Thanh Chương, Hội Nông dân huyện Thanh Chương, Hợp tác xã (HTX) Tân Hưng Thịnh và một số hộ dân vùng Thổ Hào, xã Thanh Hà (huyện Thanh Chương) triển khai trồng thí điểm nhằm phục tráng lại giống sâm quý bản địa.
Thực hiện mô hình này, HTX Tân Hưng Thịnh cung cấp giống sâm, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm sâm củ cho người dân. Đánh giá tiến độ bước đầu trên cây sâm Thổ Hào cho thấy những tín hiệu khả quan: Cây sâm phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Thổ Hào, năng suất khá và đầu ra ổn định, giá trị kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng như ngô, sắn trước đây. Đặc biệt, toàn bộ sâm củ được HTX Tân Hưng Thịnh thu mua, bao tiêu toàn bộ.
Lại nói, mô hình nuôi vịt công nghệ cao của anh Đinh Nho Phú Quý (xóm 4, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương) cũng là minh chứng hiệu quả trong việc tổ chức liên kết sản xuất này. Năm 2021, anh Phú được Hội Làm vườn huyện, Hội Nông dân huyện kết nối với Công ty Cổ phần Greefeed Việt Nam. Theo đó, phía Hội Làm vườn, Hội Nông dân đứng ra kết nối, giám sát và tạo điều kiện vốn vay cho hội viên tham gia mô hình; phía Công ty cung cấp con giống, thức ăn cho vịt, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi vịt và bao tiêu đầu ra; hộ nông dân phải có diện tích đất để làm trang trại, vốn đầu tư chuồng trại và chăm sóc vịt.
Anh Đinh Nho Phú Quý cho biết: “Điều mà người nông dân nào cũng quan tâm nhất đó là vấn đề kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm, thì với việc liên kết này, con vịt đã có công ty cam kết bao tiêu, cho người hỗ trợ kỹ thuật. Và quan trọng, trong quá trình chăn nuôi, nông dân có sự đồng hành của Công ty, của huyện và chính quyền địa phương, nhiệm vụ của mình là chăm sóc vịt theo đúng quy trình, đạt trọng lượng và phẩm chất thịt”.
Theo anh Quý cho biết, từ tháng 8/2021 đến nay, anh đã xuất bán 3 lứa vịt với quy mô 6.500 con/lứa, 22 tấn vịt thịt, giá thành dao động 35 - 40.000 đồng/kg, trung bình mỗi lứa, trừ mọi chi phí anh Quý còn thu lãi 100 triệu đồng. Đặc biệt là, trại vịt 6.500 con nhưng chỉ xuất bán gọn trong vòng 2 ngày, không kéo dài thời gian, mất công sức, hao tổn vịt. Từ hiệu quả bước đầu mang lại, sắp tới, anh Quý dự định sẽ mở rộng thêm chuồng trại, tăng quy mô đàn, dự kiến, mỗi năm thu lãi cả tỷ đồng.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch huyện Thanh Chương cho biết: “Từ thành công của 2 mô hình trên, hiện huyện Thanh Chương đang cùng Hội Làm vườn, Hội Nông dân có kế hoạch nhân rộng ra các địa phương khác. Cụ thể, nhân rộng mô hình liên kết chăn nuôi vịt công nghệ cao ở Thanh Lương, Thanh Tùng và Thị trấn; mô hình liên kết trồng cây dược liệu ở Thanh Hà, Thanh Lâm, Thanh Tùng. Đồng thời, tìm kiếm thêm các doanh nghiệp đối tác liên kết theo chuỗi trong chăn nuôi lợn, gà, cá, trâu bò vỗ béo; trong trồng trọt như chè, cây sắn nguyên liệu; lúa giống… Quan điểm của chúng tôi là liên kết phải bền vững, chặt chẽ, trong đó, chú trọng là vấn đề đầu ra cho sản phẩm phải được đảm bảo. Các cấp hội sẽ đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp, nhà nông và ngân hàng; giám sát quá trình liên kết, đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình”.