Thông tin trên được đưa ra từ buổi Họp báo của Bộ Tài chính vừa được diễn ra chiều ngày 1/6 vừa qua. Đại diện diện Tổng cục Thuế cho biết, việc triển khai hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh khó hơn so với doanh nghiệp, vì các hộ này chưa có bộ phận kế toán. Vì vậy, ngành thuế thời gian qua đã có nhiều chính sách khuyến khích cho nhóm đối tượng này
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho biết: "Cơ quan thuế cũng thiết kế cung cấp cổng dịch vụ điện tử cho hộ kinh doanh sử dụng có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền trong 12 tháng, kể từ thời điểm đăng ký sử dụng".
Để đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, không bị đứt quãng, sau khi triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, Tổng cục Thuế đã nâng cấp công nghệ thông tin, hệ thống có thể xử lý 7 tỷ hóa đơn/năm.
Ảnh minh họa
"Khi toàn bộ hệ thống hoạt động, 1 năm sẽ là 6,5 - 7 tỷ hóa đơn. Như vậy, 1 tháng có 400 - 500 triệu hóa đơn. Cơ quan thuế có hợp đồng ủy quyền cho các đơn vị truyền nhận thực hiện cấp hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế. Giải này này chúng ta có thể dự phòng trong các tình huống khi có sự cố thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không bị ảnh hưởng", ông Đặng Ngọc Minh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính), nhận định, qua thời gian thử nghiệm cho thấy, hoá đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán và người mua cũng như cơ quan quản lý thuế.
Với người bán, hoá đơn điện tử tiết kiệm được lượng giấy tờ lớn. Việc lưu trữ cũng đơn giản hơn nhiều. Mặt khác, giao dịch được thực hiện ngay. Tương tự người mua cũng có những lợi ích như vậy.
Đặc biệt, qua giao dịch điện tử, người bán, người mua và cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, nắm được các giao dịch, có thể kiểm tra chéo lẫn nhau, không lo lắng hoá đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, không lo bị loại trừ chi phí…. khi kết nối dữ liệu về cơ quan thuế, bảo đảm cho một thị trường kinh doanh trung thực, lành mạnh.