Khe cửa hẹp có thể giúp ngành thủy sản Việt Nam vượt khó

06/05/2023 09:43

Tăng chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đối tác ở những thị trường nhỏ, phi truyền thống có thể giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay…

Khó khăn bủa vây ngành thủy sản

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2023 đạt 1,01 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tháng 1/2023 giá trị xuất khẩu thủy sản là 457,2 triệu USD và tháng 2/2023 là 550 triệu USD. 

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân khiến ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp khó khăn là do tình hình lạm phát toàn cầu thời gian vừa qua. 

Thị trường xuất khẩu truyền thống của thủy sản Việt Nam là Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc… đều có sự sụt giảm rõ rệt. Trong đó, riêng thị trường các nước thành viên trong khối EU giảm từ 30 – 60%.

Với thị trường Mỹ, tháng 01/2023 giá trị xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 68,12 triệu USD, giảm 31,5% so với tháng 12/2022 và giảm 65,8% so với tháng 01/2022. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm mạnh từ mức 26,4% trong tháng 01/2022 xuống 14,9% trong tháng 01/2023.

Thị trường Nhật Bản cũng có dấu hiệu sụt giảm. Theo đó giá trị xuất khẩu đến thị trường này trong tháng 01/2023, đạt 91,19 triệu USD, giảm 28,9% so với tháng 12/2022 và giảm 31,4% so với tháng 01/2022.

Về cơ cấu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, cá tra giảm mạnh nhất 61%, tôm giảm 55%, xuất khẩu cá ngừ giảm 43%, nhuyễn thể giảm 32 và cá các loại khác giảm 28%.

thuy-san-1-1682821102-1683340755.jpg

Tìm kiếm thị trường ngách có thể là “khe cửa hẹp” giúp ngành thủy sản vượt khó giai đoạn hiện nay. Ảnh Vasep

Chuyên gia cho rằng, ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể vẫn đối mặt khó khăn trong ngắn hạn, nhưng sức ép không còn lớn như trước. Lý do là tình hình xung đột chính trị thế giới vẫn chưa được giải quyết, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm vào đó, lạm phát tại các nền kinh tế lớn dù có dấu hiệu chững lại, nhưng chưa thực sự chắc chắn…

Diễn biến tiêu cực của ngành thủy sản phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn như: Thủy sản Minh Phú, Sao Ta, Vĩnh Hoàn, Thủy sản Mekong…

Trong đó, cổ phiếu MPC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú giảm giá hơn một nửa trong giai đoạn cuối năm 2021 đến nay. Từ vùng giá 40.000 đồng/ đơn vị còn 17.000 đồng/ đơn vị ở thời điểm hiện tại.Thậm chí có thời điểm, mã cổ phiếu MPC rơi về vùng giá 14.000 đồng/ đơn vị (giai đoạn tháng 11/2022).

Cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn – ông lớn trong ngành thủy sản cũng lao dốc mạnh ở giai đoạn từ tháng 6/2022 đến nay. Theo đó, giá trị cổ phiếu từ mốc 114.000 đồng/ đơn vị về mốc 57.000 đồng/ đơn vị - tức già mức giảm gần một nửa so với đỉnh.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến cổ phiếu FMC của Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta cũng đồng pha với các “ông lớn” trong ngành thủy sản. Theo đó, thị giá cổ phiếu giảm từ vùng giá 72.000 đồng/ đơn vị (thiết lập vào tháng 4/2022) về vùng giá 36.000 đồng/ đơn vị ở thời điểm hiện tại. Thậm chí, ở thời điểm tháng 11/2022, cổ phiếu này còn lao dốc về mức dưới 28.000 đồng/ đơn vị…

Theo khảo sát, hầu hết cổ phiếu ngành thủy sản đều có diễn biến tiêu cực trong giai đoạn khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới…

Khe cửa hẹp có thể giúp ngành thủy sản vượt khó

Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần xuất hiện tín hiệu tích cực đối với ngành xuất khẩu thủy sản. Đó là tỷ trọng xuất khẩu tại một số thị trường phi truyền thống tăng mạnh cả về giá trị và sản lượng.

Cụ thể, thị trường Israel tăng 17%, Indonesia tăng 8%, Cameroon tăng 15%, Lào tăng 21%, Chile tăng 7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, mặc dù sản lượng xuất khẩu chung sang thị trường EU giảm, nhưng một số nước trong liên minh lại tăng đột biến. Như Phần Lan tăng tăng đến 435% về giá trị, trong khi thị trường Ba Lan và Síp gần như giữ nguyên về giá trị và sản lượng.

Theo VASEP: Bức tranh xuất khẩu thủy sản khó có thể bừng sáng trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Quý I năm nay, xuất khẩu thủy sản có thể vẫn thấp hơn khoảng 15 -20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau các hội chợ thủy sản Quốc tế vào tháng 3, tháng 4, cùng với sự thích ứng và bùng nổ của thị trường Trung Quốc cũng như sự điều chỉnh chiến lược của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, hy vọng xuất khẩu sẽ hồi phục dần từ quý II.

Ngoài ra, điểm đáng lưu ý là Trung Quốc – thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam cũng đã mở cửa trở lại. Việc giao thương buôn bán được khơi thông giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lấy lại thị trường, tăng sản lượng xuất khẩu…/.

Bạn đang đọc bài viết "Khe cửa hẹp có thể giúp ngành thủy sản Việt Nam vượt khó" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).