Phát biểu khai mạc Diễn đàn Mekong Connect năm 2022 chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, vùng ĐBSCL được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đồng thời, trong vùng còn có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời…Đặc biệt, thời gian qua, Nhà nước đã và đang tiếp tục đầu tư một số tuyến cao tốc: Trung Lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cần Thơ - Cà Mau; An Giang - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng; cầu Đại Ngãi, cầu Mỹ Thuận 2; cảng Cái Cui có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn…
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, mặc dù có nhiều thế mạnh rõ rệt, song vùng ĐBSCL đã và đang đối diện nhiều thách thức lớn nằm ở ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là, nền nông nghiệp của vùng chậm hiện đại hóa, nguồn vốn đầu tư hạn chế; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ vùng lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng TP.HCM, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân của cả nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận khoa học công nghệ còn thấp.
Bên cạnh đó, các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển xâm lấn làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn…
Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội hy vọng, từ những kết quả nổi bật của vùng, sự quan tâm chỉ đạo phát triển, triển khai hạ tầng đã và đang đầu tư nêu trên, sự chủ động liên kết, kết nối của các địa phương, sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn”, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.
Chia sẻ thêm về vùng ĐBSCL, ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ nhiều năm qua, vấn đề nổi trội của ngành nông nghiệp ĐBSCL là sản xuất và thị trường chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa vùng với các thị trường trong nước và quốc tế. Dẫn đến, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, khó thu hút đầu tư và đời sống người dân mất ổn định.
Do đó, việc xây dựng trung tâm liên kết sẽ hình thành “một điểm đến đa dịch vụ”, góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: Nhà nông - nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Từ đó thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Theo đó, UBND TP. Cần Thơ đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL”.
Dự kiến đến năm 2050, quy mô của trung tâm này lên tới 3.300 ha tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy và huyện Giai Xuân, huyện Phong Điền. Cụ thể, trung tâm sẽ có 2 phân khu. Phân khu 1 dự kiến có 50 ha với chức năng là khu hành chính, quản lý và dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ công, thương mại, xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Phân khu 2 dự kiến có diện tích 200 ha, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chế biến tinh các sản phẩm nông nghiệp. Trung tâm được kỳ vọng trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL; thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL với vai trò dẫn dắt, thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động kinh tế nông nghiệp toàn vùng.