Theo thống kê, Kiên Giang hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 80.000 ha (đất có rừng trên 66.490 ha, đất chưa có rừng gần 13.400 ha). Trong đó, rừng đặc dụng trên 39.700 ha, rừng phòng hộ trên 32.000 ha và rừng sản xuất trên 8.114 ha. Độ che phủ của rừng là 12%.
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân bố trên địa bàn 9/15 huyện, thành phố và được giao cho các chủ thể quản lý, gồm Vườn Quốc gia Phú Quốc, U Minh Thượng; Ban Quản lý rừng Kiên Giang; Ban Quản lý Lâm trường 442 và các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình quản lý, bảo vệ.
Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang cho biết, vùng trọng điểm ở các lâm phần trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rừng trong cao điểm mùa khô năm nay khoảng 41.258 ha. Trong đó, TP Phú Quốc 16.000 ha, các huyện U Minh Thượng 9.100 ha rừng tràm, An Minh hơn 2.780 ha rừng tràm, Hòn Đất 7.475 ha rừng tràm, Kiên Lương 2.250 ha rừng, Giang Thành 1.626 ha rừng tràm, Kiên Hải 1.280 ha rừng, TP Hà Tiên 745 ha rừng.
Các Hạt kiểm lâm phối hợp với các địa phương chủ động các phương án phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. (Ảnh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường)
Theo đó, thời gian tới lực lượng kiểm lâm, địa phương tại các vùng có nguy cơ cháy cao sẽ triển khai thực hiện phòng cháy và chữa cháy rừng, các Hạt Kiểm lâm phối hợp với địa phương và đơn vị chủ rừng tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng đến hộ dân như phát loa tuyên truyền lưu động, hướng dẫn 980 hộ gia đình sống ven rừng ký cam kết bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, các Hạt Kiểm lâm thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng với các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, qua đó, huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng tại các địa phương.
Được biết, để thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy rừng, đơn vị chủ rừng trên các lâm phần đã cày, ủi đường băng cản lửa rộng từ 15 - 20m với tổng diện tích hơn 622 ha; đắp, gia cố 25 đập giữ nước, 6 cống điều tiết nước, duy tu 47 bồn đặt trong rừng trữ nước dung tích 2 m³/bồn ở khu vực trọng yếu, có nguy cơ xảy ra cháy cao; phát dọn thực bì trên các tuyến kênh và đê bao tổng chiều dài hơn 120 km; nạo vét hố chứa nước trong rừng; sửa chữa, bảo trì 4 trạm bơm nước bằng điện, bơm bổ sung hơn 40.000 m³ nước vào rừng.
Đơn cử, tại Vườn quốc gia Phú Quốc, đơn vị đã thành lập 14 Đội quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, với đầy đủ phương tiện, thiết bị và lực lượng trực chiến 24/24 giờ tại các điểm trọng yếu. Bên cạnh đó, Vườn còn xây dựng 8 tháp quan sát lửa rừng, 78 giếng khơi và giếng khoan công nghiệp, bể chứa nước, đặt gần 50 bồn nhựa chứa nước dung tích 2.000 lít cố định trong rừng, đặt bồn chứa nước và téc nước trên xe cơ động đến các địa điểm xung yếu để cấp nước.
Cũng tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, 4 đội phòng cháy, chữa cháy rừng đã được thành lập; mỗi đội có 15 người được phân công ứng trực ở những điểm có nguy cơ cháy cao. Đồng thời, duy trì 9 trạm quản lý, bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi vi phạm, phòng cháy, chữa cháy rừng. Vườn quốc gia đã gia cố 6 cống điều tiết nước, khởi động 2 trạm bơm để chủ động bơm nước bổ sung nhằm phòng cháy, chữa cháy rừng khi cần thiết; bảo trì, sửa chữa, vận hành 13 máy chữa cháy chuyên dùng,...
Ghi nhận cho thấy, năm 2022, toàn tỉnh Kiên Giang đã xảy ra 5 vụ cháy rừng, đều nằm trên địa bàn TP. Phú Quốc. Diện tích rừng bị cháy 36.416 m2, hiện trạng rừng là cây bụi, dây leo, cây rừng đã bị chặt phá thời gian trước. Do đó, công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong năm nay luôn được chủ động 24/24 giờ đối với các lực lượng liên quan. Các đám cháy, tình trạng chặt phá rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên công tác bảo vệ cần tập trung cao độ, không được lơ là, mất cảnh giác.