Lãnh đạo và các ngành chức năng luôn kiểm tra chất lượng sản phẩm
Những năm qua, Chương trình OCOP được lãnh đạo tỉnh Lai Châu quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Lãnh đạo tỉnh nhiều lần đi cơ sở, cùng địa phương định hướng sản phẩm chủ lực, khai thác, động viên, khích lệ các chủ thể phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương thành sản phẩm OCOP. Tỉnh Lai Châu đã ban hành một số nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, để khuyến khích, hỗ trợ sản phẩm OCOP, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, trong đó quy định cụ thể mức hỗ trợ, thưởng cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.
Các cơ quan quản lý Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể định hướng phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng quy trình sản phẩm, cung cấp các thông tin ra thị trường, hỗ trợ các chủ thể thông qua các chính sách. Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng, đổi mới tư duy sản xuất của các chủ thể... nên đã triển khai thực hiện khá hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, góp phần vào thực hiện nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Văn Châu trao giấy Chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2022 cho chủ thể tại Hội nghị Công bố Quyết định, trao giấy Chứng nhận sản phẩm OCOP và tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho các tập thể, hộ kinh doanh có thành tích xuất sắc trong phong trào thực hiện Chương trình OCOP năm 2022.
Năm 2020, tỉnh Lai Châu mới chỉ có 47 sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu có thêm 150 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm thực hiện, tỉnh đã công nhận thêm được 111 sản phẩm, nâng tổng sản phẩm OCOP hiện nay của tỉnh lên 158 sản phẩm, trong đó có 147 sản phẩm 3 sao, 11 sản phẩm 4 sao. Trong các sản phẩm 4 sao có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Hội đồng Đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương đánh giá đó là sản phẩm Trà Ô Long và Trà Đông Phương Mỹ Nhân của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường.
Đến thời điểm này có thể khẳng định, Chương trình OCOP tỉnh Lai Châu đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên địa bàn về sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống và ngành nghề nông thôn. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, thiết bị; xây dựng quy trình sản xuất như: Hợp tác xã Thanh Xuân, Công ty TNHH MTV Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc, Hộ kinh doanh đông trùng hạ thảo Huy Cương....
Các chủ thể đã nâng cao ý thức về phát triển sản phẩm, chú trọng hoàn thiện bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; GMP; VietGap; hữu cơ… như: Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường, Hợp tác xã Nông sản sạch T&D Lai Châu, Hợp tác xã Biên Cương..., có khả năng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn và hướng tới xuất khẩu. Thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, người dân và du khách đã biết và tìm hiểu, ưu tiên lựa chọn tiêu dùng sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu.
Ngoài chú trọng chất lượng sản phẩm, thì các chủ thể OCOP cũng quan tâm đầu tư bao bì, nhãn mác, hình thức sản phẩm tiện dụng, đẹp mắt và lịch sự
Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Nhiều sản phẩm đã tạo nên hình ảnh, thương hiệu Lai Châu như: Các sản phẩm chè, miến dong, gạo đặc sản, dược liệu, đông trùng hạ thảo, du lịch Sin Suối Hồ… được người tiêu dùng và du khách đánh giá cao. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ để ổn định lại các sản phẩm, nâng cao chất lượng về quy trình sản xuất, mẫu mã bao bì, ứng dụng khoa học công nghệ, kết nối thị trường tiêu thụ và sử dụng hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm, từ đó ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP của Lai Châu vươn ra thị trường ngoài tỉnh và quốc tế.
Theo ông Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu: Chương trình OCOP là một chương trình lâu dài đi liền với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Với tiềm lực và trí tuệ rất lớn của người dân, thì tiềm năng để phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc hữu trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng nhiều. Việc các sản phẩm càng phát triển đi liền với đời sống người dân, góp phần tạo công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chương trình sẽ thực sự thành công khi phát huy được sức mạnh của cộng đồng.
Lãnh đạo một số sở, ngành nghe chủ thể OCOP giới thiệu về sản phẩm OCOP
Thực tế Chương trình OCOP không phải của riêng một ngành nào, cấp nào, mà là của cả hệ thống chính trị từ cơ quan Nhà nước đến cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở địa phương. Tuy nhiên, để các sản phẩm nông sản địa phương ngày càng được nâng tầm và vươn xa hơn nữa đòi hỏi mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường phải phát huy được tính sáng tạo, đổi mới của mình; mỗi chủ thể phải tiếp tục duy trì, phát triển về số lượng; chú trọng về chất lượng sản phẩm; tập trung nâng cao chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ để ổn định lại các sản phẩm, nâng cao chất lượng về quy trình sản xuất, mẫu mã bao bì, ứng dụng khoa học công nghệ để kết nối thị trường tiêu thụ; tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Không chỉ vậy giá trị sản phẩm OCOP sẽ được nâng tầm hơn so với các sản phẩm khác chính là ở câu chuyện hấp dẫn, thú vị về sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và các chủ thể trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp tại địa phương; hàm chứa giá trị văn hóa, giá trị nhân văn thấm đẫm trách nhiệm; là những đổi mới, sáng tạo trong tư duy sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm… Chúng ta có thể tin tưởng rằng, tỉnh Lai Châu sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP được nâng tầm như thế./.