Sản phẩm Bưởi Diễn Tân Thành được trồng tại xóm Tân Thành, xã Cao Dương đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; năm 2023 được định hướng tiến tới xuất khẩu
Trong năm 2023, huyện sẽ thực hiện hỗ trợ người sản xuất Bưởi áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá trị sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; thiết lập mã số vùng trồng đối với các vùng trồng tập trung tại xã Thanh Sơn và xã Cao Dương phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, phấn đấu xuất khẩu ít nhất 03 Container ra thị trường quốc tế.
Cụ thể, sẽ tiến hành hỗ trợ kỹ thuật sản xuất đảm bảo các tiêu chuấn, chất lượng sản phẩm Bưởi theo tiêu chuẩn xuất khẩu tại xã Thanh Sơn và xã Cao Dương. Triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật thu hái và công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm quả bưởi tươi và các sản phẩm phụ từ quả bưởi đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường trong và ngoài nước; phối hợp tổ chức tập huấn cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có liên quan đến các hoạt động thiết lập và cấp mã số vùng trồng; quản lý dịch hại; quản lý vùng trồng,…
Xây dựng triển khai các mô hình quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón an toàn, hiệu quả. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về tổ chức sản xuất, để người sản xuất, tổ hợp tác, HTX đóng vai trò là chủ thể tích cực trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Bưởi. Hỗ trợ xác nhận, chứng nhận sản phẩm an toàn (VietGAP/GlobalGAP, hữu cơ hay các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu), xây dựng thương hiệu. Tổ chức, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thực hiện xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm Bưởi của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ. Hỗ trợ phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ sản phẩm Bưởi Diễn trong và ngoài nước. Đồng thời xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ Bưởi Diễn cho nông dân giúp tăng năng suất, chất lượng cây Bưởi Diễn, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân trồng Bưởi.
Triển khai, hỗ trợ thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Bưởi Diễn giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Xây dựng các mô hình liên kết trong cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, quy trình kỹ thuật; liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Triển khai chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Bưởi Diễn trên địa bàn huyện theo quy định.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển chuỗi sản xuất tiêu, thụ sản phẩm Bưởi, trong năm huyện sẽ tập trung tăng cường chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và trang trại, Hợp tác xã, các hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh; sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi ngành hàng, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi quả.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao, thống nhất từ nhận thức đến hành động góp phần phát triển bền vững cây bưởi; đổi mới tư duy từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đơn giá trị sản phẩm sang tích hợp sản phẩm đa giá trị. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã Tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh bưởi tại các vùng trồng tại xã Cao Dương và xã Thanh Sơn để hình thành chuỗi. Hỗ trợ hợp tác xã trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
Có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn vùng sản xuất tập trung với các cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản, các hệ thống bán buôn, bán lẻ, các siêu thị, trong và ngoài nước, thông qua hợp đồng tiêu thụ; hình thành, phát triển các chuỗi sản xuất bền vững, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất Bưởi Diễn. Áp dụng các biện pháp cải tạo, bảo vệ đất, tăng độ che phủ,... nhằm tăng năng suất, chất lượng, cải thiện mẫu mã đồng đều về chất lượng và kích thước quả. Mở rộng diện tích được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, truy suất nguồn gốc từ khâu trồng, chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại, sơ chế, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm bưởi quả; duy trì, quản lý tốt 02 vùng đã được cấp mã số vùng trồng, tiếp tục hỗ trợ thiết lập các vùng trồng có quy mô diện tích từ 10 ha/vùng trở lên đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu sản phẩm Bưởi Lương Sơn, phấn đấu năm 2023 xuất khẩu ít nhất 03 Container ra thị trường quốc tế. Tăng cường quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua việc dán tem đối với sản phẩm Bưởi Diễn thông qua nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi Lương Sơn” đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo vệ quyền lợi người sản xuất, lợi ích người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm “Bưởi Lương Sơn”.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm bưởi Lương Sơn thông qua các lễ hội, các dịch vụ du lịch, các hội chợ trong và ngoài tỉnh; kết nối tiêu thụ vào hệ thống các siêu thị, các kênh phân phối chính thức và uy tín, hệ thống cửa hàng, các chợ đầu mối, các sàn giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh phát triển ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá và bán hàng trên các trang mạng xã hội (Facebook, zalo...) nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhanh, hiệu quả, giảm thiểu các chi phí./.