Thống kê cho thấy, tại vùng núi Ba Vì có khoảng trên 500 loài cây dược liệu, được phân thành 118 hộ và 321 chi và đều được sử dụng trong các bài thuốc để điều trị 33 chứng bệnh khác nhau... Tuy nhiên, nguồn gen của các cây dược liệu quý hiếm này đang ngày càng cạn kiệt và bị đe dọa tuyệt chủng do quá trình thu hái không bền vững suốt thời gian dài.
Đồng bào dân tộc người Dao ở xã Ba Vì trước đây sống giữa lưng chừng núi Tản Viên (độ cao từ 600 - 800m) và sinh kế gắn chặt với rừng. Nhưng từ năm 1991, khi Vườn Quốc gia Ba Vì hình thành, bà con phải di dân tái định cư xuống độ cao dưới 100m (ngoài địa giới của Vườn).
Phụ nữ Dao lên rừng hái thuốc. (Ảnh: SK&ĐS)
Đặc biệt, từ khi có quy định không cho phát cây rừng, đốt nương làm rẫy để bảo vệ hệ sinh thái rừng của Vườn quốc gia, đời sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn do thiếu đất canh tác. Theo đó, chỉ có cách duy nhất là trồng và phát triển dược liệu để chế biến thuốc nam mới có thể giúp người dân thoát nghèo.
Người dân cho biết, khó mà kể hết những gian truân khi đi tìm dược liệu, bởi phải băng suối, vào sâu trong rừng mới tìm được thuốc quý. Nhiều khi phải đi nửa tháng đến cả tháng mới tìm được đủ các loại thảo dược cho một bài thuốc. Có loại lấy lá, cành, loại lại lấy hoa, lấy rễ…, có cây mọc cao trên núi, cây lại mọc men theo bờ suối, nhiều loại lá chỉ có ở những thời điểm nhất định trong năm. Người tìm thuốc phải tinh tường, thuộc các loại dược liệu bởi nhiều loại cây có hình dáng tương tự, nếu không hiểu biết thì rất dễ nhầm lẫn.
Được biết, cộng đồng người Dao tại Ba Vì là tác giả của nhiều bài thuốc nam truyền thống nổi tiếng, được coi như một kho tàng tri thức bản địa phong phú, cần được gìn giữ. Những bài thuốc này được biết đến với khả năng chữa nhiều bệnh như thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, các bệnh về khớp, viêm xoang... nguyên liệu đều là các cây thuốc từng được thu hái trong các cánh rừng vùng núi Ba Vì, với rất ít các loài có thể di thực về trồng ở độ cao thấp trong vườn nhà. Tuy nhiên, hoạt động tự thu hái, khai thác nguồn lâm sản ngoài gỗ ngoài tự nhiên không phù hợp với quy định của pháp luật về bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc trưng.
Mới đây, trong chuyến khảo sát mô hình sản xuất, chế biến dược liệu truyền thống của đồng bào dân tộc Dao tại Ba Vì (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ những định hướng về tư duy phát triển ngành trong thời gian tới, đó là tư duy rừng đa dụng, chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị. “Cách tiếp cận của chúng ta làm sao để rừng phải nuôi được rừng, nuôi được người giữ rừng, rừng phải tạo được sinh kế cho người trồng và bảo vệ rừng”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người Dao ở vùng núi Ba Vì là “viên ngọc”, nghề làm thuốc nam, tri thức và văn hóa bản địa của người Dao nơi đây cũng là viên ngọc, thậm chí còn quý hơn viên ngọc vì không có tiền nào mua được. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng chính quyền địa phương và bà con để tạo ra không gian phát triển mới cho cây dược liệu.