Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tháng 11 và 11 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát, tuy nhiên giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn cao. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế diễn biến hết sức phức tạp bởi tác động của xung đột Nga – Ucraina và chính sách của một số nước bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Trước thực trạng đó, ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; tăng cường đàm phán mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ. Theo đó, sản xuất nông lâm thủy sản đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, về trồng trọt, trong tháng 1/2022, các địa phương phía Bắc tập trung vào thu hoạch lúa Mùa, gieo trồng các loại cây màu vụ đông; các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hoạch lúa Thu Đông và gieo trồng vụ Đông Xuân. Đến nay, cả nước đã gieo trồng 974.000 ha ngô, 105,9 nghìn ha khoai lang; 174.000 ha lạc; 37,4 nghìn ha đậu tương, 1,23 triệu ha rau các loại.
Về chăn nuôi, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Giá thịt lợn hơi biến động giảm nhiều so với tháng trước. Giá thành chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao do giá nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng so với năm trước. Thời gian này, nhiều hộ chăn nuôi đang tập trung chăm sóc đàn để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh những tháng cuối năm.
Theo Tổng cục Thống kê, thời điểm cuối tháng 11, tổng số trâu ước giảm 1,2% so cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 3,5%; đàn lợn tăng 12,4%; đàn gia cầm tăng 5,4%.
Ngành nông nghiệp tiếp tục đạt mục tiêu kép. (Ảnh: Tạp chí Tuyên Giáo)
Về lâm nghiệp, trong tháng 11, thời tiết mát và có mưa thuận lợi cho việc trồng rừng, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chuẩn bị cây giống và hiện trường để trồng rừng theo kế hoạch. Tháng 11, chuẩn bị được 60,9 triệu cây giống, trồng rừng đạt 47,4 nghìn ha, tăng 27,1% so với tháng 11/2021; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2,0 triệu m3, tăng 9,0%; sản lượng củi ước đạt 1,6 triệu ste, tăng 8,0% so với T11/2021.
Về thủy sản, tình hình nuôi trồng thủy sản trong tháng 11 tiếp tục phát triển cả về diện tích và sản lượng nhờ nhu cầu tăng mạnh cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do giá dầu tăng cao ngư dân giảm chuyến khai thác, nhiều tàu cá tại các tỉnh miền Trung phải nằm bờ. Sản lượng thủy sản tháng 11 ước đạt 802,3 nghìn tấn, tăng 3,1% so với CKNT; lũy kế 11 tháng ước đạt 8.253 nghìn tấn, tăng 3,1% so với CKNT.
Bộ NN&PTNT cho biết, 11 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm và thủy sản khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu (XK) khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu (NK) khoảng 41,22 tỷ USD, tăng 6,9%; xuất siêu 7,82 tỷ USD, tăng 47,8%.
Về xuất khẩu: Tháng 11, kim ngạch XK ước trên 4,27 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 11/2021 và giảm 0,2% so với tháng 10/2022; trong đó, nhóm nông sản chính 2,13 tỷ USD (tăng 10,3% so T11/2021), lâm sản chính gần 1,2 tỷ USD (giảm 15,2%), thủy sản 750 triệu USD (giảm 17,5%) và chăn nuôi 31,7 triệu USD (giảm 13,5%)…
Tính chung 11 tháng, kim ngạch XK ước khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK nhóm nông sản chính trên 20,73 tỷ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỷ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27,0%; chăn nuôi 361,4 triệu USD, giảm 8,4%; đầu vào sản xuất trên 2,2 tỷ USD, tăng 38,1%.
Đến nay, đã có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị XK trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Một số sản phẩm có giá XK bình quân tăng so với cùng kỳ năm trước như: Phân bón các loại giá bình quân khoảng 626 USD/T, tăng 64,4%; hạt tiêu khoảng 4.300 USD/T, tăng 22,0%; cà phê khoảng 2.309 USD/T, tăng 19,4%…
Về thị trường XK: 11 tháng, các thị trường châu Á (chiếm 44,7% thị phần), châu Mỹ (27, 4%), châu Âu (11,3%), châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,7%).
Bộ NN&PTNT nhận định, tháng 12 thị trường thế giới sẽ tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các yếu tố cạnh tranh đại kinh tế, địa chính trị, xung đột quân sự, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước, đẩy chi phí vận chuyển tăng mạnh. Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; ban hành những chính sách mới nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản nói chung, nhất là đối với gỗ và đồ gỗ Việt Nam.
Đối với thị trường trong nước, các mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định. Giá các loại trái cây dự báo tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng phục vụ các dịp lễ hội cuối năm.