Du lịch cộng đồng - “mảnh đất màu mỡ”
Với lợi thế về phát triển du lịch cộng đồng và có số lượng sản phẩm OCOP ngày càng gia tăng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền, tỉnh Nghệ An có tiếng là vùng đất có nhiều sản vật, đa dạng hệ sinh thái, đa dạng văn hóa, làng nghề… Đó là nền tảng, lợi thế, giá trị khác biệt, là cơ hội phát triển nếu khai thác đúng tiềm năng.
Nhiều điểm du lịch cộng đồng ở Nghệ An ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến bản du lịch cộng đồng bản Nưa, bản Phả, bản Khe Rạn (Con Cuông); bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), bản Minh Thái (Tân Kỳ), bản Lau, bản Mác, bản Quang Phúc (Tương Dương), bản Na Xái, Hủa Mường (Quế Phong).
Con Cuông là một trong những địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Nghệ An. Trên địa bàn huyện có nhiều điểm du lịch sinh thái. Đặc biệt, đến với du lịch cộng đồng ở Con Cuông, du khách được trải nghiệm các dịch vụ bình dị, mộc mạc của đồng bào Thái như: lội ruộng cấy lúa, đội nón lá ra đồng cầm liềm gặt lúa cùng với bà con, nơm cá dưới khe nước; thăm quan vườn cam, vườn chè…
Những dịch vụ này thực sự là trải nghiệm thú vị đối với khách du lịch nước ngoài, cũng như khách trong nước. Đặc biệt, du khách được thưởng thức các món ăn chế biến ngay tại chỗ, bằng nguồn thực phẩm tươi sống do bà con dân bản tự nuôi, trồng được như: lợn đen, gà thả đồi, dê, rau rừng, hoa quả trong vườn và rượu cần do bà con sản xuất.
“Điều đặc biệt hơn nữa, khách đến thăm nhà dân, được xem bà con dệt thổ cẩm, sử dụng những sản phẩm chăn, ga, gối đệm, trang phục Thái được làm từ vải thổ cẩm, cũng như tìm hiểu những nét đẹp bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và cuộc sống của người dân địa phương”, bà Vi Thị Nguyệt, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Con Cuông chia sẻ.
Tại bản Nưa hiện có 3 mô hình homestay do dự án JICA (Nhật Bản) tài trợ từ năm 2011, mỗi cơ sở đều có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho 30 - 40 khách lưu trú qua đêm cùng lúc, rất tiện lợi. Trong số này, homestay của gia đình chị Lô Thị Hoa - Trưởng nhóm Du lịch cộng đồng bản Nưa được thiết kế dạng nhà sàn truyền thống. Nhà được bài trí giản đơn, mỗi vật dụng đều bật lên chất truyền thống của đồng bào Thái. Vườn nhà được gia chủ trồng đủ loại rau xanh, kết hợp một số cây ăn quả. Ngoài ra, công trình vệ sinh, hệ thống nước sinh hoạt… cơ bản được trang bị, xây dựng khang trang, kiên cố.
Chị Lô Thị Hoa, một chủ Homestay đồng thời là Trưởng nhóm du lịch cộng đồng ở bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, cho biết, làm du lịch cộng đồng, khi có khách là chị em trong nhóm có trách nhiệm mỗi người một tay, mục đích là làm sao để phục vụ khách tốt nhất, với mục tiêu của bữa ăn “ngon, bổ, rẻ” làm hài lòng du khách.
Mỗi năm nhóm du lịch cộng đồng bản Nưa đón trên dưới 3.000 lượt khách trong và ngoài nước, con số này góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân bản địa. Mức thu nhập bình quân của thành viên trong nhóm du lịch cộng đồng rất khá, dao động quanh mức 4 triệu đồng/người/tháng, ổn định hơn nhiều so với trước kia.
Là địa phương nhiều tiềm năng về kinh tế du lịch, người dân sáng tạo, năng động, cần cù, cấp ủy, chính quyền hỗ trợ tối đa nên đến nay huyện Con Cuông đã được công nhận 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao. Đó là 2 mô hình du lịch cộng đồng ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê và bản Nưa, xã Yên Khê; và 2 sản phẩm là dây thìa canh, cà gai leo của Công ty CP Dược liệu Pù Mát…
Nhưng trên địa bàn hiện còn có nhiều sản phẩm nông thôn tiêu biểu giàu tính sáng tạo phát huy giá trị truyền thống dân tộc và tạo việc làm cho người dân như dệt thổ cẩm, tre mỹ nghệ, mây tre đan, rượu men lá, chợ phiên, du lịch cộng đồng… hay các sản phẩm được quan tâm đầu tư sản xuất chất lượng như cam VietGAP, mứt cam, tinh dầu cam, cây dược liệu, giảo cổ lam, cao hà thủ ô, rau quả tươi....
Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) với 100% hộ đồng bào Thái, hiện đang được du khách biết đến như một điểm nhấn về du lịch cộng đồng...Hoa Tiến được xem là cái nôi của nghề dệt thêu thổ cẩm ở Quỳ Châu. Mỗi hộ dân trong làng đều có khung cửi làm ra những sản phẩm thổ cẩm nhiều mẫu mã, hoa văn tinh tế tạo nên nét đẹp văn hóa riêng so với các dân tộc thiểu số khác. Bên cạnh đó, bản còn xây dựng gian hàng thương mại giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đặc sản của huyện như Thổ Cẩm, mật ong rừng, rượu cần, hàng mây tre đan, hương trầm…
Năm 2019, HTX làng nghề Thổ cẩm Hoa Tiến có 3 sản phẩm gồm, khăn, chân váy, khăn trải bàn đạt chuẩn 4 sao OCOP của tỉnh Nghệ An. Đây là năm đầu tiên Nghệ An thực hiện Chương trình OCOP và bản làng đã vinh dự đạt danh hiệu 4 sao OCOP. Đó là một vinh hạnh lớn bởi Châu Tiến là bản vùng sâu, vùng xa và hơn hết sản phẩm du lịch cộng đồng là sản phẩm OCOP còn mới mẻ ở Việt Nam. Sản phẩm dệt thổ cẩm Quỳ Châu và du lịch cộng đồng ở đây cộng hưởng với nhau tạo thành nét văn hóa đặc sắc của xứ Nghệ. Những sản phẩm thổ cẩm ở đây, nhất là những chiếc khăn tơ tằm với hoa văn độc lạ đã vươn ra nhiều thị trường, được nhiều bạn bè biết đến.
Ngoài sản phẩm thổ cẩm, hiện ở Hoa Tiến (Quỳ Châu) có 9 mô hình homestay hoạt động. Ở các nhà homestay, ngoài phục vụ ăn nghỉ, du khách còn được trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên, thưởng ngoạn phong cảnh Quỳ Châu với những cánh đồng lúa đặc sản, các cọn nước thủy lợi, trải nghiệm lại cuộc sống của dân bản cả về thực tế lẫn các hiện vật được trưng bày với trang sức, nhạc cụ, thổ cẩm…
Chị Sầm Thị Tình, một trong những người làm du lịch đầu tiên tại bản Hoa Tiễn cho biết: Tại Hoa Tiễn, không gian văn hóa người Thái được phục dựng khá đầy đủ với nhà sàn truyền thống làm nơi dừng chân cho du khách, kết hợp với ẩm thực dân tộc và các hoạt động trải nghiệm mang đậm bản sắc truyền thống như: dệt thổ cẩm, dân ca, dân vũ, nhảy sạp, khắc luống, ném còn, tò mọc lẻ... Bên cạnh đó, chúng tôi còn mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của Hoa Tiễn như khăn quàng cổ, áo, túi xách mang các hoa văn đặc trưng, chính là những điểm nhấn thu hút khách du lịch.
2 trong 1 - sự liên kết không thể thiếu...
Ngày nay, nhiều loại hình du lịch phát triển và du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống rất được quan tâm. Nhiều điểm du lịch cộng đồng ở Nghệ An đã xây dựng và rất thành công với mô hình này; đây cũng là cơ hội để địa phương phát triển các sản phẩm OCOP.
Ngoài phát phát huy những giá trị vốn có, du khách được trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc của cư dân bản địa. Các điểm du lịch cộng đồng còn xây dựng gian hàng thương mại giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đặc trưng của địa. Các sản phẩm này không chỉ là món quà ý nghĩa đối với khách du lịch khi đến với không gian văn hóa của cư dân bản địa, mà còn góp phần làm tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Tại Nghệ An, mô hình du lịch nông thôn mới tại bản Nưa, bản Phả, bản Khe Rạn (Con Cuông), bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), và các mô hình trang trại tại miền Tây xứ Nghệ cho thấy quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra hứng thú khi du khách được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt người dân nông thôn, văn hóa vùng miền và được hòa mình với thiên nhiên.
Cùng với việc phát triển du lịch, sau gần 4 năm triển khai, đến nay tỉnh Nghệ An đã có 249 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, 4 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt cấp quốc gia 5 sao và 4 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ ba của cả nước (sau Hà Nội và Quảng Ninh). Nhiều sản phẩm OCOP ở Nghệ An đã được biết đến như: trà lá sen và hoa sen; cam Vinh, dược liệu Pù Mát, tương Sa Nam, trà túi lọc Giảo Cổ Lam, sản phẩm dệt thổ cẩm… được du khách ưa thích.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư huyện uỷ huyện Con Cuông cho hay, Con Cuông đang là điểm du lịch hấp dẫn của miền Tây xứ Nghệ cũng như cả nước, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm OCOP Con Cuông được trở thành sản phẩm hàng hóa nông thôn tiêu biểu có giá trị.
Các sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Con Cuông được gắn liền với các sản phẩm du lịch của huyện và của tỉnh. Nhờ đó, trong những năm gần đây, các sản phẩm OCOP của huyện Con Cuông đã góp phần thúc đẩy du lịch của địa phương và của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành du lịch của tỉnh cũng góp phần tiêu thụ và thúc đẩy quá trình phát triển các sản phẩm OCOP của Con Cuông. Vì vậy, trong những năm qua, thu nhập của người dân Con Cuông trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cũng không ngừng được nâng lên.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của từng địa phương cũng tạo nên sức hút cho các điểm du lịch, đồng thời, hoạt động du lịch cũng góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP. Đây là quan hệ mang tính tương hỗ, ngay từ khi thực hiện chương trình, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đã xác định rõ và linh hoạt lồng ghép hiệu quả vào các chương trình du lịch nông thôn. Cùng với đó, các các cấp, các ngành sẽ tiếp tục xây dựng chương trình tập huấn, thành lập đoàn cán bộ và các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch, tổ chức chương trình tham quan học tập kinh nghiệm phát triển du lịch, các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái tại các tỉnh có nét tương đồng nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng cho người dân, từ đó giúp họ thay đổi tư duy, quan tâm đầu tư khai thác sản phẩm du lịch này một cách bền vững.