Việc gia tăng sản xuất viên nén gỗ giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, tạo giá trị gia tăng quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu.
Viên nén gỗ được sản xuất chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ, bao gồm cành, ngọn, gỗ nhỏ, bìa bắp từ gỗ rừng trồng và các đầu mẩu, gỗ thừa… từ các cơ sở chế biến. Cả nước hiện có hơn 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ với giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng.
Trong những năm vừa qua, giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 165 triệu USD vào năm 2017 lên 413 triệu USD năm 2021 và khoảng 568 triệu USD. Trong 10 tháng năm 2022, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu viên nén gỗ tăng vọt là do Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh sử dụng viên nén gỗ để sản xuất điện thay cho dầu đang tăng giá do cuộc xung đột Nga –Ukraine. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 trên thế giới. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường xuất khẩu viên nén gỗ nhiều nhất của Việt Nam.
Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 trên thế giới. Ảnh minh họa
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, ngành viên nén đang phát triển rất nóng. Năm 2022, viên nén đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong 8 mặt hàng xuất khẩu của gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu (bao gồm cả gỗ dán), dăm gỗ. Là sản phẩm nằm trong chuỗi rừng trồng, nên viên nén có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao giá trị cho trồng rừng ở Việt Nam.
Ông Lập dự báo, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ sinh khối trong cả năm 2022 có thể đạt khoảng 700 triệu USD và trong tương lai gần, xuất khẩu viên nén gỗ có tiềm năng lọt vào nhóm mặt hàng nông, lâm sản có giá trị xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay đối với các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, theo ông Lập là tình trạng nông dân khai thác gỗ sớm sẽ dẫn đến thiếu nguyên liệu. Hiện nay, chu kỳ trồng keo đang ngắn hơn và mật độ cũng dày hơn. Sự thiếu kinh nghiệm cũng thể hiện rõ ở nhiều doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ. Nguyên liệu đầu vào đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của ngành viên nén gỗ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng Lượng sinh học Phú Tài, Trưởng Ban Vận động thành lập Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam cho biết tại COP 26, Chính phủ các nước đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm cả việc thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học như viên nén trong tương lai. Tại Việt Nam, viên nén cũng trở thành một mặt hàng quan trọng giúp ngành gỗ đi đầu, góp phần thực hiện mục tiêu COP 26 của Việt Nam. Điều này dẫn đến cầu viên nén ngày càng tăng trong thời gian tới.
Cũng theo ông Phong nhận đinh, sự bùng nổ sản lượng xuất khẩu và giá cả trong năm 2022 tưởng chừng là cơ hội lớn để ngành viên nén phát triển nhưng trên thực tế, đang có trở ngại, thách thức lớn cho sự phát triển bền vững. Đó là giá nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu có chứng chỉ, thuế xuất khẩu, cạnh tranh nguồn nguyên liệu giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, việc thành lập Chi hội viên nén gỗ Việt Nam - nơi tập hợp các nhà sản xuất, xuất khẩu để trao đổi, kết nối, hỗ trợ nhau trong sản xuất, xuất khẩu và phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong và ngoài nước là rất cần thiết.
Với vai trò cơ quan quản lý, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đánh giá cao việc thành lập Chi hội viên nén gỗ Việt Nam; đồng thời khẳng định thời gian qua, việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng phát triển cả về quy mô, lẫn chất lượng.
Trong thời gian tới, ngành gỗ sẽ tiếp tục có sự phát triển, phối hợp nhịp nhàng giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý các cấp để kịp thời phát hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý tốt nhất để các doanh nghiệp trong ngành phát triển, tạo động lực phát triển cho ngành trồng rừng, phát triển rừng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng triệu người dân đang sinh sống phụ thuộc vào nghề rừng.