Việt Nam có 3.260 km bờ biển và 1 triệu km mặt biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá có khoảng 500.000 ha mặt nước có thể nuôi biển được, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn. Tuy nhiên thực tế cho thấy, quy mô nghề nuôi biển ở nước ta phần lớn là manh mún nhỏ lẻ, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi biển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, thiếu con giống, thức ăn và công nghệ lồng nuôi lạc hậu.
Phần lớn vật liệu lồng nuôi được làm từ gỗ hoặc tre, quả phao xốp nổi và khối xốp. Lồng nuôi thô sơ nên không chịu được sóng gió, dễ bị sóng đánh hư hỏng, còn vật liệu xốp gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng sau thời gian bị thải bỏ.
Con giống, thức ăn phục vụ nuôi biển cũng còn hạn chế, việc xử lí chất thải từ nuôi biển chưa được quan tâm, nhiều vùng nuôi thường xuyên bị thiệt hại bởi dịch bệnh... Đặc biệt, nhiều nơi đang xảy ra xung đột giữa nuôi trồng thủy sản trên biển và phát triển du lịch, công nghiệp, do đó bà con ngư dân chưa thực sự yên tâm đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này.
Trong khi đó, hải sản xuất khẩu của Việt Nam lại đang bị Ủy ban châu Âu áp thẻ vàng IUU về các vấn đề liên quan đến đánh bắt, khai thác bất hợp pháp. Việc gỡ thẻ vàng IUU đến nay đã 5 năm nhưng chưa thành công. Điều này càng đòi hỏi Việt Nam phải giảm khai thác hải sản từ tự nhiên, tăng nuôi trồng và đây cũng là hướng đi chiến lược, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn coi là một chính sách giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Chủ trương phát triển nuôi biển đã được xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 339/QĐ-TTg; Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Do đó, việc chuyển đổi sang nuôi hải sản xa bờ, phát triển quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam được xem là xu hướng tất yếu nhằm đạt mục tiêu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8-2 tỷ USD.
Tọa đàm trực tuyến chủ đề: Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức mới đây, Chủ tịch Hiệp Hội nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, ngành nuôi biển muốn phát triển thì cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ; theo ông Dũng, hiện nay, Quy hoạch không gian biển quốc gia đang bị chậm tiến độ. Chúng ta đều biết thật khó kêu gọi ngư dân đầu tư vào công nghệ mới như lồng nhựa HDPE nếu họ không có quyền sử dụng vùng biển đó lâu dài; do đó, sau khi có Quy hoạch không gian biển quốc gia, phải sớm giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản trên biển.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam liên quan đến nuôi biển đang trong quá trình xây dựng, tới lúc phê duyệt còn mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, các địa phương cần xây dựng tiêu chuẩn cơ sở để thực hiện. Không có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì không có sơ sở pháp lý để công nhận.
Việc đánh giá, công nhận các trại nuôi, bè nuôi, ông Dũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định đơn vị cấp quốc gia, địa phương đánh giá công nhận tiêu chuẩn trại nuôi để đạt chuẩn. “Chúng ta công nhận như vậy cộng với giao biển thì mới biến đầu tư của dân thành tài sản, lúc đó người dân có dùng tài sản đó để chấp vay vốn ngân hàng