Nhu cầu tăng đẩy giá cà phê xuất khẩu tăng gần 10%

13/10/2023 13:59

Trong 9 tháng đầu năm khối lượng cà phê xuất khẩu tuy giảm hơn 8% về lượng, nhưng giá trị không giảm nhờ giá xuất khẩu tăng gần 10%. Tháng 10, vào vụ thu hoạch cà phê nhưng giá sẽ chỉ giảm ở mức độ, do nhu cầu cà phê Robusta trên thị trường thế giới đang tăng cao.

caphe-1697126107-1697180251.jpeg

Giá cà phê xuất khẩu tháng 9/2023 tăng đến 29,6% so với cùng kỳ 2022 - Ảnh minh họa.

Tháng 9/2023, giá cà phê xuất khẩu tăng đến 29,6% so với cùng kỳ 2022

Cục Xuất khẩu nhập khẩu – Bộ Công Thương ước tính, tháng 9/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 3.151 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 8/2023 và tăng 29,6% so với tháng 9/2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 2.499 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Văn phòng Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), xét theo từng chủng loại cà phê xuất khẩu trong tháng 9/2023, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với khoảng 34 ngàn tấn, kim ngạch gần 82,5 triệu USD, còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu được 881 tấn, với kim ngạch gần 3,5 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein trên 2.700 tấn, kim ngạch khoảng 12,8 triệu USD.

Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 8,8 ngàn tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch khoảng 57,6 triệu USD, (trong đó, lượng cà phê rang xay và hòa tan chiếm khoảng 18,6% và kim ngạch chiếm khoảng 36,8% tổng các loại cà phê xuất khẩu).

Trong tháng 9/2023, có chưa đến 50 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân, trong đó 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân, là: Công ty TNHH NKG Việt Nam, Công ty TNHH Cofco International Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam, Công ty TNHH Tuấn Lộc Commodities và Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex…

Các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần khoảng 70,5% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê nhân và chiếm khoảng 69,0% giá trị kim ngạch; trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài hiệp hội chiếm thị phần khoảng 26,2% về khối lượng và chiếm khoảng 33,2% về kim ngạch.

Nhóm 10 doanh nghiệp lớn xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan trong tháng 9/2023, gồm: NESTLÉ Việt Nam, Tập đoàn Trung Nguyên (chi nhánh Sài Gòn), OUTSPAN Việt Nam, Cà phê Ngon và TATA Coffee Việt Nam, … trong đó, các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần khoảng 58,3%/ tổng khối lượng xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan trong tháng 9 và chiếm khoảng 64,4% về kim ngạch, còn các doanh nghiệp ngoài hiệp hội chiếm thị phần khoảng 84,5% về khối lượng và khoảng 84,1% kim ngạch.

Thị trường xuất khẩu cà phê nhân trong tháng 9/2023, ngoài số lượng đang ở kho ngoại quan (khoảng trên 2.300 tấn) thì Italy dẫn đầu với khối lượng trên 3.700 tấn, Thái Lan đứng thứ 2 với gần 3.300 tấn, Nhật Bản thứ 3 với trên 3.200 tấn, Tây Ban Nha thứ 4 với trên 2.800 tấn, Mexico thứ 5 với 2.700 tấn, Nga thứ 6 với 2.580 tấn, Đức đứng thứ 7 với 2.570 tấn, Anh thứ 8 với trên 2.200 tấn, Hàn Quốc thứ 9 và Phillipines thứ 10 với trên 1.400 tấn.

Cà phê rang xay chiếm tỷ trọng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa cho biết, Việt Nam qua vụ thu hoạch đã lâu nên lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 10/2023 chắc chắn sẽ thấp, đến tháng 11 mới bắt đầu thu hoạch vụ cà phê mới, nên lượng cà phê xuất khẩu trong các tháng cuối năm cũng sẽ thấp hơn năm ngoái. Mặt khác, trong danh sách doanh nghiệp xuất khẩu thì các doanh nghiệp FDI chiếm đa số, do họ chủ động được nguồn hàng, chủ động được nguồn tiền và hội đủ các điều kiện liên quan khác, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì khó chủ động trong các vấn đề lượng xuất khẩu ít đi.

“Cho dù lượng cà phê xuất khẩu có giảm nhưng nhu cầu cà phê Robusta trên thị trường tăng nên giá bán cũng tăng theo, song, các doanh nghiệp FDI lại đang chiếm tỷ lệ xuất khẩu nhiều hơn doanh nghiệp trong nước vì các điều kiện về vốn và các điều kiện khác nói chung họ đều tốt hơn doanh nghiệp trong nước”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, tuy lượng cà phê Robusta xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch không giảm vì hầu hết các nhà rang xay quốc tế đều có nhu cầu sử dụng cà phê Robusta để phối trộn làm cà phê 3 trong 1, hoặc làm các loại cà phê mà giới trẻ bây giờ ưa thích.

Mấy năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay đã mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến để tạo ra các sản phẩm cà phê hòa tan, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này, như: Tập đoàn Intimex, Cà phê Tín Nghĩa, Cà Phê Vĩnh Hiệp... Nhờ vậy, tình hình xuất khẩu cà phê rang xay mấy năm nay tốt lên rất nhiều, giá xuất khẩu cà phê rang xay cũng cao. Hiện nay, xuất khẩu cà phê rang xay chiếm tỷ trọng trên, dưới 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, nếu tiếp tục phát triển thì kim ngạch sẽ tăng trưởng tốt.

Theo ông Hải, có thể khối lượng và giá cà phê xuất khẩu trong các tháng cuối năm sẽ giảm, nhưng giá xuất khẩu giảm bao nhiêu vì còn tùy theo diễn biến thị trường và tình hình thu hoạch của các nước sản xuất cà phê lớn, nếu thu hoạch cà phê ở Brazil thuận lợi thì giá xuất khẩu sẽ giảm.

“Không chỉ ở Brazil, Việt Nam vào vụ thì giá xuất khẩu cũng sẽ giảm nhưng cà phê Robusta chỉ giảm ở mức độ nào đó, vì có nhiều yếu tố tác động đến giá xuất khẩu. Dự báo, vào vụ thu hoạch nếu doanh nghiệp xuất khẩu tốt thì kim ngạch xuất khẩu cà phê năm nay có thể đạt bằng năm 2022 (năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,06 tỷ USD) nhưng khối lượng sẽ giảm trên dưới 10%”, Chủ tịch Vicofa nói.

Bạn đang đọc bài viết "Nhu cầu tăng đẩy giá cà phê xuất khẩu tăng gần 10%" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).