Kinh tế Việt Nam đang "trên đà phục hồi"
Bất chấp biến động trong và ngoài nước, kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi với mức tăng GDP 8,02%, cao nhất 12 năm. Kết quả này cao hơn ước tính chung là 7,8% và đạt kỳ vọng 8% mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra trong bài phát biểu trước Quốc hội vào cuối tháng 10/2022.
Ngành thép dự báo được hưởng lợi từ chính sách mở cửa của Trung Quốc năm 2023.
Theo ông Mã Thanh Danh (Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế CIB), năm 2022 nói riêng và cả thập kỉ nay nói chung, nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng tốt và có những điểm sáng đáng tự hào.
Tất cả các lĩnh vực sản xuất chính đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021, nông nghiệp tăng trưởng 3,36%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,78% và lĩnh vực dịch vụ tăng 9,99%. Theo Tổng cục Thống kê, các ngành này lần lượt đóng góp 5,11%, 38,24% và 56,65% vào mức tăng trưởng chung.
Ông Danh cho rằng, giới tài chính thường nhắc đến cuộc suy thoái kinh tế Việt Nam năm năm 2008. Đây là thời điểm suy thoái kinh tế lớn nhất mà nước ta chịu ảnh hưởng từ thị trường tài chính. Cuộc khủng hoảng này diễn ra tại thời điểm mà nền kinh tế Việt Nam còn đang yếu, không có sức đề kháng với những tác động bên ngoài.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, tiềm lực kinh tế và tài chính của Việt Nam đã bước sang một trang mới, đồng nghĩa với việc sức chống chịu trước những biến động của kinh tế thế giới ngày càng được tăng cường, sức cạnh tranh trên trường quốc tế cũng ngày được củng cố.
Những ngành nghề nào kỳ vọng tăng trưởng tích cực?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý Tp.HCM (HASCON), khi phân tích chi tiết dữ liệu, các dấu hiệu của sự suy giảm tăng trưởng khá rõ ràng và đáng quan ngại, lĩnh vực sản xuất hầu như không mở rộng trong khi xuất khẩu ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp vào tháng 12/2022.
Vào quý cuối cùng của năm, sản lượng của ngành sản xuất giảm mạnh xuống mức tăng 3,63% so với cùng kỳ, đây là mức tăng nhỏ nhất trong năm 2022. Đặc biệt trong tháng 12/2022, sản lượng sản xuất chỉ tăng 0,56% so với cùng kỳ, tháng thứ 4 ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại sau khi đạt mức cao nhất là 16,23% vào tháng 8/2022.
Điều này cũng phản ánh nhu cầu bên ngoài suy giảm khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều suy giảm trong tháng 12, tương ứng là -14% và -8,1% so với cùng kỳ. Chính vì vậy, trong năm 2023 Quốc hội cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiêm tốn 6,5%, giảm gần 1,5% so với 2022.
Trong bối cảnh như hiện nay, theo TS Nguyễn Bách Phúc những nhóm ngành dự báo tăng trưởng lợi nhuận tốt gồm: Tài chính - Ngân hàng, Tiêu dùng thiết yếu, Vận tải, Công nghệ - Viễn Thông.
Kết hợp với các yếu tố vĩ mô hiện tại của Việt Nam cũng như môi trường lãi suất cao, đại dịch vừa kết thúc, trọng tâm phát triển bền vững và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, một vài nhóm triển vọng khác phải kể đến Xây dựng - VLXD, Bảo hiểm và Năng lượng.
Bên cạnh đó, ngành xuất khẩu nông sản, thủy sản cũng tăng trưởng tốt nhờ việc tham gia ký kết các hiệp định FTA. Đặc biệt, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng trái chiều lên triển vọng kinh doanh của các ngành nghề.
Nhìn chung, giá cả các loại nguyên vật liệu mà Trung Quốc đóng vai trò cung ứng kỳ vọng sẽ hạ nhiệt. Ngược lại, giá các loại hàng hóa được tiêu thụ nhiều có khả năng sẽ hồi phục. Một số nhóm ngành sẽ có biên lợi nhuận cải thiện mạnh, do những tác động trái chiều trên bao gồm dầu khí, thực phẩm, dược phẩm, điện, thép, dệt may, thực phẩm và dược. Trong đó dầu khí, điện và thép kỳ vọng sẽ là hai ngành có biên lợi nhuận cải thiện nhiều nhất.
Ngược lại, hoạt động kinh doanh của các ngành hưởng lợi từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ra bởi đại dịch Covid và chiến tranh Nga – Ukraine, dự báo sẽ giảm tốc mạnh. Các nhóm ngành này bao gồm phân bón, hóa chất, kho vận.
“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung khai thác tiềm năng của thị trường nội địa. Với khoảng 100 triệu dân, tất cả lĩnh vực hoàn toàn có thể dựa vào thị trường nội địa, kể cả sức mua, đầu tư, hàng không, du lịch… Việt Nam lâu nay vẫn là nền kinh tế hướng vào xuất khẩu, hướng vào FDI quá nhiều. Vì thế, doanh nghiệp cần tập trung để tạo động lực bên trong, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 cũng như tạo nền tảng phát triển mạnh, bền vững”, TS Phúc chia sẻ.