Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đa phần khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là khó khăn về mặt pháp lý, thủ tục làm dự án… Điển hình như tại TP.HCM chẳng hạn, hiện tại Thành phố có khoảng 700 dự án đang triển khai có tới hơn 140 dự án bị vướng mắc pháp lý.
Được biết, từ giữa năm 2022 đến nay sau khi nhiều doanh nghiệp bất động sản dính sai phạm, cùng với đó thị trường "gãy sóng" đi xuống đã khiến các doanh nghiệp bất động sản chìm trong khó khăn. Không ít tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận thực hiện các biện pháp như cắt giảm nhân sự, giảm lương, thu hẹp quy mô, thậm chí vay "nặng lãi" để tồn tại... Đặc biệt, xuất hiện những doanh nghiệp đứng đầu thị trường điêu đứng khi các gói trái phiếu đến hạn không có đủ nguồn tài chính để trả cho khách khiến cho mối quan hệ giữa khách hàng, doanh nghiệp ngày càng căng thẳng.
Những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay xoay quanh vấn đề nguồn vốn, tín dụng và chính sách, pháp lý. Ảnh minh họa.
Trước những khó khăn của thị trường, hiện Chính phủ đang nỗ lực gỡ khó khăn cho bất động sản. Chỉ tính riêng từ tháng 11/2022 đến nay, Thủ tướng đã liên tục có những chỉ đạo thành lập tổ công tác, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục có những cuộc họp nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản trong vấn đề tín dụng cũng như vốn từ trái phiếu.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay chủ yếu xoay quanh vấn đề vốn, tín dụng và chính sách, pháp lý, thủ tục làm dự án.
Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM: "Chúng ta đang căng thẳng về vấn đề vốn, siết tín dụng… nhưng có nhiều vấn đề của bức tranh thị trường. Trong đó có vấn đề pháp lý, pháp lý chồng chéo sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Đơn vị tham gia trong quá trình phát triển thị trường họ cũng gặp khó khăn về thời gian",
Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng đã lập Tổ công tác đặc biệt, giao cho Bộ Xây dựng làm thường trực. ngoài ra, ngân hàng cũng cần có sự cân bằng, chia sẻ lại lợi ích của ngân hàng và các doanh nghiệp nói chung… Rất mong có sự điều chỉnh lãi suất sớm, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần GP Invest cho biết.
Với định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền, phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để biến các dự án thành hiện thực, các khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý cần sớm có lời giải.
Như vậy, những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay xoay quanh vấn đề nguồn vốn, tín dụng và chính sách, pháp lý.