Nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU gặp nhiều thách thức

23/12/2022 19:21

Việt Nam đã tận dụng nhiều lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), trong đó có Hiệp định EVFTA được thực thi đã tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với một số trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch của EU.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU gặp nhiều thách thức

23/12/2022 15:38

Việt Nam đã tận dụng nhiều lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), trong đó có Hiệp định EVFTA được thực thi đã tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với một số trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch của EU.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, theo báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang thị trường EU đạt 3,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 936,3 triệu USD, tăng 17,7% về xuất khẩu và 15,1% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang EU so với năm 2021 như sau: Cà phê (tăng 42,1%); gạo (tăng 63,9%); gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 8,3%); hàng rau quả (tăng 20,2%); hàng thủy sản (tăng 32,9%); hạt điều (giảm 17,3%), cao su (giảm 33,3%)…

xuat-khau-nong-san-sang-thi-truong-eu-1671784571-1671798056.png

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp phải một số trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch của EU. (Ảnh: gov.vn)

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, EU đã đạt được thỏa thuận chính trị về luật chống phá rừng và suy thoái rừng toàn cầu được thúc đẩy bởi sản xuất và tiêu dùng của EU. Sau khi được thông qua và áp dụng, luật mới đảm bảo một loạt hàng hóa chính được đưa vào thị trường EU sẽ không góp phần vào nạn phá rừng và suy thoái rừng ở EU và các nơi khác trên thế giới.

Theo đó, tất cả các công ty liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt nếu họ đặt hàng trên thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này: dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su cũng như các sản phẩm có nguồn gốc (chẳng hạn như thịt bò, đồ nội thất hoặc sô cô la). Những mặt hàng này đã được chọn trên cơ sở đánh giá tác động kỹ lưỡng, xác định chúng là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng do mở rộng nông nghiệp.

Quy định mới đặt ra các quy tắc thẩm định bắt buộc mạnh mẽ đối với các công ty muốn đưa các sản phẩm có liên quan vào thị trường EU hoặc xuất khẩu chúng. Các nhà khai thác và thương nhân sẽ phải chứng minh rằng các sản phẩm đều không liên quan đến phá rừng (được sản xuất trên đất không bị phá rừng sau ngày 31/12/2020) và hợp pháp (tuân thủ tất cả các luật hiện hành có liên quan có hiệu lực tại quốc gia sản xuất).

Các công ty cũng sẽ được yêu cầu thu thập thông tin địa lý chính xác trên đất nông nghiệp nơi các loại hàng hóa mà họ cung cấp đã được trồng, để những hàng hóa này có thể được kiểm tra xem có tuân thủ hay không. Các quốc gia thành viên cần đảm bảo rằng việc không tuân thủ các quy tắc sẽ dẫn đến các hình phạt hiệu quả và có tính răn đe.

Nghị viện và Hội đồng châu Âu sẽ phải chính thức thông qua Quy định mới trước khi quy định này có hiệu lực. Sau khi Quy định có hiệu lực, các nhà khai thác và thương nhân sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy tắc mới. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ được hưởng thời gian thích ứng lâu hơn, cũng như các điều khoản cụ thể khác.

Bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực châu Á – Chương trình cảnh quan bền vững, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) nhận định, đây là một quy định khá khó khăn, bởi nếu muốn đạt được yêu cầu này thì chúng ta phải có được một hệ thống xuất xứ nguồn gốc đến từ nông hộ và đến từng vườn cà phê thì mới có thể chứng minh được với thị trường EU đây là sản phẩm không đến từ những vùng trồng phá rừng. Bà Trần Thị Quỳnh Chi cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với các doanh nghiệp để làm thế nào đưa ra được giải pháp vừa đảm bảo được chi phí không quá cao nhưng vẫn phải chứng minh được sản phẩm đó không được đến từ những vùng trồng phá rừng”.  

 Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, để các nông sản Việt Nam có thể gia tăng được sản lượng xuất khẩu vào thị trường EU, các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu cho riêng mình, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, hạn chế xuất khẩu thô…  Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác công tư trong đó vai trò của chính quyền và các tổ chức địa phương là đầu mối để kết nối doanh nghiệp và nông dân,  nhằm tận dụng tối đa cơ hội, hóa giải các thách thức và nâng tầm thương hiệu nông sản Việt tại thị trường EU nói riêng và trên thị trường thế giới nói chung./.

Bạn đang đọc bài viết "Nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU gặp nhiều thách thức" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).