Trồng nhiều loại cây ăn trái để khách thăm quan ở thời điểm nào cũng có trái cây thưởng thức đó là cách nhiều nông dân ở tỉnh Đắk Nông làm du lịch từ sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm du lịch mới này đang mở ra cơ hội để giúp nông dân làm nông nghiệp có thêm thu nhập.
Tương tự, năm 2016, ông Lê Văn Quang, ở thôn Tây Sơn, xã Long Sơn (Đắk Mil) mua hơn 2,5 ha đất ở khu vực xã Long Sơn để sản xuất nông nghiệp. Để tìm hướng phát triển nông nghiệp phù hợp, ông Quang gửi mẫu đất, nước đi kiểm tra. Từ đó, ông Quang có cơ sở trồng 500 cây bưởi da xanh, 600 cây xoài cát Hòa Lộc, Đài Loan; 100 cây na; 150 cây mít Thái; hơn 200 cây ổi… Đến nay, tất cả các loại cây trồng đã cho thu hoạch.
Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, ông Quang sản xuất theo hướng hữu cơ. Để tận dụng các loại trái cây hư hỏng, bị loại, ông Quang chăn nuôi 5 con heo lai rừng sinh sản. Mỗi năm, đàn heo sinh sản từ 50 - 70 con heo con. Ngoài thu nhập từ đàn heo, ông có thêm nguồn phân heo để bón cho các loại cây trồng.
Diện tích lớn cà phê phát triển theo mô hình cà phê cảnh quan tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Các loại cây ăn trái trong vườn, ông Quang đều canh tác theo hướng hữu cơ, sinh học, bảo đảm an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Không dừng lại ở phát triển nông nghiệp đơn thuần, trên 2,5 ha đất, ông Quang mở nhiều đường để tiện sản xuất và phục vụ khách du lịch tham quan vườn cây. Hiện nay, ông Quang đã mở cửa đón khách du lịch đến thăm quan, thưởng thức trái cây và nghỉ ngơi thư giản tại vườn. Mỗi tháng vườn có khoảng 200 khách đến vườn thăm quan, mua trái cây.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 6.000 ha cây ăn quả phân bố ở nhiều địa phương. Trong đó, nhiều trang trại nằm ngay trên cung đường dẫn đến các điểm, tuyến du lịch gắn với Công viên địa chất Đắk Nông. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch canh nông, du lịch cộng đồng.
Tỉnh Đắk Nông đang khuyến khích người dân có vườn cây ăn trái đầu tư phát triển theo mô hình canh nông góp phần đa dạng các loại hình du lịch. Tuy nhiên hiện nay, loại hình du lịch này ở tỉnh Đắk Nông đang ở dạng tiềm năng.
Để phát triển loại hình du lịch canh nông, theo ý kiến của một số đơn vị lữ hành, tỉnh Đắk Nông cần định hướng, hướng dẫn chủ vườn tạo ra những mô hình theo điều kiện, đặc điểm riêng, có thể tham khảo một số mô hình thành công ở Đà Lạt hay các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ngoài ra, chủ vườn khi xác định làm du lịch thì cần đầu tư bài bản hơn. Xây dựng vườn cây có khu đón tiếp, nơi trưng bày hình ảnh, giới thiệu quy trình canh tác, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm trực tiếp tại vườn; có khu vệ sinh sạch sẽ; xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Theo thống kê, tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 244.500 lượt khách, tăng 108,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lượt khách lưu trú lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 31.400 lượt khách.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.671 tỷ đồng, tăng 77,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 90,12 tỷ đồng, tăng 63,0%; dịch vụ ăn uống ước đạt 1.580,14 tỷ đồng, tăng 77,98%; du lịch lữ hành đạt 450 triệu đồng, tăng 93,97%;
Doanh thu hoạt động dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú - ăn uống - du lịch lữ hành) trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 đạt 339 tỷ đồng, tăng 7,43% so với cùng kỳ năm trước.
Để có được những con số biết nói nêu trên, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh và cả nước nhằm tạo cú hích cho du lịch tăng trưởng, phát triển.