Từ năm 2020 đến nay, huyện Cam Lộ đã chuyển đổi gần 169 ha đất lâm nghiệp và 45 ha đất bạc màu sang trồng các loại cây dược liệu, nâng diện tích cây dược liệu trên toàn huyện lên hơn 279 ha. Trong số đó có một số loại cây tiềm năng và có giá trị kinh tế cao như: cà gai leo, quế, tràm năm gân, an xoa.
Đối với cây an xoa, toàn huyện trồng được trên 16,5 ha, năng suất bình quân đạt từ 15 - 17 tấn/ha/năm, có nơi trên 20 tấn/ha. Với mỗi ha cây an xoa, nông dân thu về từ 180 - 200 triệu đồng/năm, cao hơn hàng chục lần so với trồng các cây lâm nghiệp như trước đây, góp phần nâng cao đời sống của người trồng cây dược liệu trên địa bàn.
Ngoài ra, nhờ tích cực kêu gọi nhiều nhà đầu tư và xúc tiến thương mại cho các loại sản phẩm nông nghiệp, nhất là các loại cây dược liệu có thế mạnh của huyện Cam Lộ mà chỉ trong vòng 2 năm (2021 – 2022) địa phương này đã xuất khẩu 3 lô cao dược liệu sang Mỹ, Canada với tổng giá trị hơn 4,5 tỉ đồng.
Vào cuối tháng 7/2022, huyện Cam Lộ đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với thành phố Cal-Nev-Ari (Hoa Kỳ) về phát triển và tiêu thụ các loại cây trồng dược liệu.
Theo đó, thành phố Cal-Nev-Ari sẽ tập trung hỗ trợ huyện Cam Lộ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ các loại cao dược liệu như: An xoa, rau đay quả dài, chè vằng, cà gai leo, hà thủ ô; các loại nông sản địa phương gồm: Tinh bột nghệ, tiêu, gạo.
Cùng với đó, thành phố Cal-Nev-Ari cũng hỗ trợ huyện Cam Lộ thu hút nhà đầu tư xây dựng các nhà máy công nghệ cao, đầu tư trang thiết bị, máy móc sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu, đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu để trồng cây dược liệu tập trung nhằm phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các chuỗi sản phẩm, nhằm đáp ứng các tiêu chí của thị trường nước ngoài, kết nối với các đối tác tiềm năng đến từ Hoa Kỳ để thiết lập các mối quan hệ thương mại, kinh doanh và kêu gọi, xúc tiến đầu tư.
Trước đó, cũng trong năm 2021, 2 lô hàng cao dược liệu trị giá 1,7 tỉ đồng/lô của nông dân huyện Cam Lộ đã được xuất sang thị trường Mỹ. Lô hàng đã được phía Mỹ đánh giá rất cao sau khi vượt qua cuộc kiểm nghiệm gồm 21 tiêu chí của nước này.
Vào ngày 20/10/2021, Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam và UBND Huyện Cam Lộ tổ chức ký kết “Biên bản ghi nhớ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị”.
Thông qua biên bản ghi nhớ này, phía Công ty đảm bảo cung cấp giống Quế theo tiêu chuẩn hữu cơ, số lượng 160 triệu cây cho diện tích hơn 20.000 ha từ nay đến hết 2025. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cam kết cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật canh tác bao gồm: Trồng, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các hộ nông dân trồng quế, nghệ, gừng và tiêu trên địa bàn huyện Cam Lộ.
Đồng thời, Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng vùng nguyên liệu quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ của các hộ nông dân được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ trên địa bàn huyện Cam Lộ. Công ty đảm bảo thu mua với giá tối thiểu như đã cam kết và không thấp hơn giá của thị trường tại thời điểm thu mua. Ngoài ra, Công ty sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến các sản phẩm quế tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ nhằm sơ chế, chế biến nguyên liệu Quế trên địa bàn huyện với công suất chế biến: 200.000 tấn vỏ quế tươi/năm; 360 tấn dầu quế từ lá/năm. Tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.
Đây là cơ sở để tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu tập trung có chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế của huyện Cam Lộ nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hoài Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, bên cạnh những thuận lợi thì việc phát triển cây dược liệu tại huyện vẫn còn gặp một số hạn chế như: kỹ thuật canh tác và quản lý chất lượng trong sản xuất cây dược liệu chưa được chặt chẽ.
Cùng với đó, mặc dù giá trị thu nhập từ trồng cây dược liệu cao nhưng do cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu cao, thị trường đầu ra chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp đầu tư thu mua nên người dân chưa yên tâm sản xuất. Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng còn thiếu, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung áp dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả cho người sản xuất. Việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn gặp khó khăn...
Xây dựng huyện Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị
Nhằm phát huy thế mạnh vốn có, huyện Cam Lộ đã chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp cụ thể để sớm địa phương này trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị. Huyện Cam Lộ đã xây dựng dự án “Phát triển mở rộng các loại cây dược liệu có hiệu quả phục vụ chế biến xuất khẩu năm 2023” với nguồn kinh phí thực hiện dự kiến hơn 27,5 tỉ đồng.
Trong đó, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp trồng 267 ha quế, 11 ha tràm năm gân, 15 ha cây đàn hương. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, UBND huyện Cam Lộ đề xuất UBND tỉnh và các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ hơn 4,1 tỉ đồng, còn lại hơn 23 tỉ đồng do người dân đóng góp.
Để đạt được kế hoạch đề ra, ông Trần Hoài Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, huyện cũng xác định một số giải pháp sau:
Một là, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả về cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, Kết luận số 154- KL/HU ngày 28/7/2021 của Huyện ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 15/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XV); điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2021-2025; phát triển mạnh vùng dược liệu bằng việc nâng cao chất lượng các loại cây dược liệu hiện có, trồng mới một số loại cây theo hướng hữu cơ và xuất khẩu nhằm đưa Cam Lộ đến năm 2025 trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh.
Dự kiến, từ nay đến năm 2025, huyện Cam Lộ quy hoạch vùng chuyên canh cây dược liệu diện tích 500 ha, gồm: 100 ha cây chè vằng; 200 ha cây an xoa, 50 ha cây cà gai leo, 100 ha cây tràm năm gân Nhật Bản và 50 ha các cây dược liệu khác như gừng, kiệu...
Hai là, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với công tác phát triển dược liệu, như: hỗ trợ đầu tư về tín dụng, vay vốn, cơ sở vật chất, hỗ trợ giống và kỹ thuật, công nghệ… cho người sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến cây dược liệu. Khuyến khích các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, chuyên canh thuận lợi cho áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong vùng quy hoạch.
Có chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến cây dược liệu trên địa bàn huyện. Sản xuất cây dược liệu yêu cầu vốn đầu tư tương đối lớn, đặc biệt đối với những cây dược liệu dài ngày so với các cây trồng khác. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để các hộ trồng cây dược liệu có điều kiện phát triển sản xuất.
Ba là, huyện Cam Lộ sẽ tập trung nghiên cứu chọn tạo, yêu cầu bảo hộ các giống cây dược liệu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về canh tác, khảo nghiệm, chứng nhận chất lượng đối với cây dược liệu.
Tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản dược liệu cho các hộ dân trực tiếp gieo trồng cây dược liệu, cũng như sản xuất các sản phẩm dược liệu nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác trồng cây dược liệu an toàn, đúng quy trình; hướng dẫn các cách thực hành, lựa chọn sản phẩm an toàn.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất giống, thâm canh trồng thuần, hữu cơ, công nghệ cao, có mã vùng và các chứng nhận hữu cơ, VietGAP, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại để chế biến, bảo quản sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ngoài ra, tổ chức sản xuất, tạo liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến dược liệu với người dân, chính quyền địa phương xây dựng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu các loài cây dược liệu theo quy hoạch, đặc biệt đối với những loại dược liệu đang có nhu cầu lớn phù hợp với điều kiện sinh thái và địa lý của địa phương.
Để liên kết, phát triển dược liệu bền vững, cần thực hiện tốt mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Đặc biệt, trong quá trình đưa Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh, rất cần có sự đồng thuận, chung tay hỗ trợ và nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương./.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, giai đoạn từ năm 2022 - 2026, tỉnh sẽ đầu tư hơn 52 tỷ đồng để thực hiện Đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với Chương trình OCOP, qua đó, nâng diện tích cây dược liệu từ khoảng 1.500 ha hiện nay lên 4.500 ha vào năm 2026. Chương trình sẽ tập trung ở 5 huyện gồm Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. |