Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để đảm bảo chất lượng nông sản

25/08/2023 08:10

Để hoạt động xuất khẩu nông sản được thuận lợi, địa phương có vùng trồng các sản phẩm nông sản, hoa quả xuất khẩu cần tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với sản phẩm nhằm đảm bảo hàng hóa đáp ứng đầu đủ các quy định, yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

0455-xoai-cao-lanh-dac-san-dong-thap-1692881940-1692925737.jpeg

Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để đảm bảo chất lượng nông sản. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường trên thế giới ngày càng tăng. Yêu cầu đặt ra là phải duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh việc bảo đảm đủ sản lượng cung ứng, thì vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt.

Vì vậy, tình trạng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.

Tại Hội nghị Tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT), cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Newzealand và Úc là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng là 40,8%; cơ sở đóng gói là 17%. Con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm.

Thời gian gần đây, Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật (bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc) và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định (sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc).

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng; các tranh chấp về quyền sở hữu mã số vẫn còn diễn ra ở một vài nơi.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực thực hiện công tác cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm nhiều lần.

Do dó, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và truy xuất thuận tiện.

Đối với nông dân trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh. Cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.

Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tổ chức liên kết chuỗi sản xuất thực chất từ vùng trồng – cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp xuất khẩu.

Bạn đang đọc bài viết "Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để đảm bảo chất lượng nông sản" tại chuyên mục Xã hội. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).