Tin vui đầu năm của Hoà Phát: “Đột nhập” chuỗi siêu thị WinMart bán nửa triệu quả trứng gà/tháng
Tập đoàn Hoà Phát vừa công bố, Hòa Phát đã ký hợp đồng gia công sản phẩm trứng gà sạch vào chuỗi các siêu thị WinMart. Theo hợp đồng hợp tác, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ phối hợp cùng đại lý của công ty phân phối đến hệ thống siêu thị WinMart. Khi lên kệ siêu thị Winmart, bao bì sản phẩm có nhãn hiệu O’lala, ghi rõ nguồn gốc được sản xuất bởi Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ.
Trung bình mỗi tháng, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ sẽ cung cấp khoảng 500.000 – 550.000 quả trứng gà sạch đã được gia công vào chuỗi siêu thị WinMart thông qua các đại lý phân phối. Nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe khi vào chuỗi siêu thị WinMart, Công ty đã kiểm tra chất lượng trứng đã gia công tại kho lọc một cách kỹ lưỡng để đảm bảo trứng gà tươi 100%, an toàn với nguồn dinh dưỡng đạt chuẩn. Trứng được xử lý theo công nghệ diệt khuẩn UV. Trọng lượng mỗi quả trứng đạt từ 55 đến 57g.
Tin vui đầu năm của Hoà Phát: “Đột nhập” chuỗi siêu thị WinMart bán nửa triệu quả trứng gà/tháng, nâng giá bán thép HRC và thép xây dựng. Gà đẻ trứng của Hòa Phát có nguồn gốc giống từ Hyline International, nhập khẩu trực tiếp từ các trang trại tại Australia, Anh, Mỹ và được nuôi theo mô hình công nghệ cao tại trại giống, tập trung theo chuẩn VietGAP.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát cho biết: “Winmart là một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất tại Việt Nam, có nhiều tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm đầu vào. Vì vậy, khi ký thành công hợp đồng hợp tác gia công trứng sạch để cung cấp vào hệ thống siêu thị này, tôi thấy đây là một sự ghi nhận cho chất lượng sản phẩm trứng cũng như chất lượng dịch vụ của Công ty Gia cầm Hòa Phát”.
Tại Hà Nội, Hòa Phát đang cung cấp trứng gà sạch vào hơn 100 siêu thị, cửa hàng. Cụ thể, hàng ngày có khoảng 50.000 - 60.000 quả trứng gà vào toàn bộ hệ thống siêu thị WinMart, Coop Mart, BRGMart và minimart Haprofood/BRGMart, BRGIntershop. Ngoài ra, trứng gà Hòa Phát còn được cấp vào hệ thống siêu thị của K.Mart/T.Mart.
Còn trong mảng thép, mới đây, việc thị trường thép Trung Quốc diễn biến tích cực trước Tết Nguyên đán trở thành cơ sở để nhiều thành phần tham gia thị trường dự đoán Hòa Phát sẽ nâng giá HRC lên 650 USD/tấn (giá CFR). Tuần trước, các thương nhân dự báo các đơn bán HRC từ Trung Quốc sẽ tăng lên 650 USD/tấn (CFR) trong tuần này. Giá bán này được nhận định là không cao nếu chào bán ở thị trường quốc tế. Tuy vậy, hiện lượng hàng xuất khẩu của Hoà Phát không có nhiều do sau khi đóng cửa một số lò cao, tập đoàn hiện có 2/4 lò cao ở Dung Quất đang hoạt động.
Giá mới của Hòa Phát cũng được cho là tính tới việc giá của thị trường Trung Quốc đang giảm. Tại thị trường Trung Quốc, một nhà máy đang chào bán HRC ở mức 637 USD/tấn (giá CFR) vào sáng ngày 31/01/2023. Giá thép ở Trung Quốc điều chỉnh khiến nhà máy này sẵn lòng chấp nhận mức giá 628-630 USD/tấn. Trong lịch sử, đây không phải lần đầu tiên Hoà Phát nâng giá bán thép xây dựng. Trong lần gần nhất, Hòa Phát điều chỉnh tăng 210,000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này lần lượt là 15.15 triệu đồng/tấn và 15.23 triệu đồng/tấn.
Không riêng Hoà Phát, từ cuối tháng 1, loạt công ty thép thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng thép lần thứ 2 liên tiếp. Thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Pomina... đồng loạt tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 200,000-400,000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Dù KQKD của các DN thép vẫn chưa khả quan, từ cuối năm 2022, thị trường thép lại ghi nhận nhiều diễn biến tích cực. Hoà Phát thông báo khởi động lại lò cao ở Hải Dương và nâng công suất thép thanh thêm 700.000 tấn/năm. Năm 2022, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng, HRC. Bên cạnh các "ông lớn" THACO, Hoàng Anh Gia Lai, vừa đầu tư công nghiệp vừa đầu tư nông nghiệp sạch, họ đã gặt được thành công trong cả hai lĩnh vực, lĩnh vực này thúc đẩy lĩnh vực kia phát triển./.