Tham vấn chính sách phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, phòng hộ

30/05/2022 16:13

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, việc phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, phòng hộ là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay. Vừa qua, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức hội thảo nhằm tham vấn chính sách phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, phòng hộ.

Thảo luận về phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, phòng hộ

Ngày 20/5, tại TP.HCM, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với sự hỗ trợ của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học – VFBC) đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn chính sách phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, phòng hộ”.

Hội thảo có sự hiện diện của hơn 90 đại biểu đến từ các đơn vị là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý rừng, giám đốc các Vườn Quốc gia, một số doanh nghiệp du lịch ở khu vực phía Nam.

Theo ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm Nghiệp đã có những tháo gỡ và tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái nhưng vẫn còn một số vướng mắc tồn tại ở các địa phương, đặc biệt là những cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các Vườn quốc gia.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, xác định hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ như: thiếu hướng dẫn về quy định tỷ lệ xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí; các vấn đề liên quan đến những quy định về cấp phép xây dựng, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí; giá cho thuê môi trường rừng chưa tương xứng, chưa phù hợp với chính sách khuyến khích đầu tư phát triển (Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

rung-dac-dung-khu-bao-ton-thien-nhien-1653839278-1653901795.jpg

Vẻ đẹp của một khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên ở nước ta (Ảnh: thanhhoa.gov.vn).

 

Các đại biểu cũng thống nhất nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất. Các hoạt động du lịch sinh thái được tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh, duy trì hoạt động đón và phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí; tiếp tục phối hợp với các đơn vị lữ hành tổ chức, cung cấp thông tin cho du khách và kết nối để các đơn vị đưa khách tham quan; hướng dẫn tuyên truyền cho du khách về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; Xây dựng, cải tạo các điểm, các tuyến du lịch để tạo sự hấp dẫn cho du khách và luôn chú ý bảo vệ rừng, không làm tổn hại đến cảnh quan và môi trường sinh thái.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở cơ sở; thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa Ban quản lý với chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương để có sự đồng thuận, hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng, phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên ở khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

“Cần mở ra từ từ, có trách nhiệm”

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh về vấn đề này, Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú bày tỏ: “Thứ nhất, rừng là tài nguyên quý giá nhưng rừng đang bị suy giảm rất mạnh, có những vụ phá rừng nghiêm trọng như vụ 28 người ở Đắk Lắk bị bắt vì hủy hoại rừng mới đây. Tôi không phản đối làm du lịch ở rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nhưng cần nhấn mạnh ở đây rừng đặc dụng và rừng phòng hộ rất quan trọng. Vì vậy, quan điểm của tôi là không phải tất cả các rừng đặc dụng và phòng hộ ở các tỉnh đều làm du lịch. Chỉ nên chọn một số nơi làm thí điểm, rút kinh nghiệm sau đó có thể nhân thêm để phát triển du lịch.

Thứ hai, chúng ta phải đặt vấn đề khi mở ra đem lại cái gì? Ngân sách được cái gì? Rừng có đẹp lên không, có được bảo vệ không? Có đem lại cho dân địa phương lợi ích gì? Không loại trừ quá trình triển khai có thể gặp vấn đề buông lỏng quản lý về du lịch rừng phòng hộ.

Một vấn đề nữa, các quyết định cho phép mở thí điểm phải chi tiết, khoa học, phải có người chịu trách nhiệm. Khi xảy ra vấn đề gì gây ô nhiễm môi trường, cháy rừng hoặc vi phạm xây dựng thì ai chịu trách nhiệm?

Theo tôi, tổ chức du lịch rừng phòng hộ thì không chỉ bảo vệ cảnh quan rừng mà cảnh quan xung quanh rừng phải đẹp. Đẹp ở đây là văn hóa, văn minh, phải giáo dục, xây dựng nếp ứng xử lịch sự trong người dân quanh đó. Có thể giao cho nhân dân vùng xung quanh giám sát việc phát triển du lịch rừng phòng hộ này.

Cuối cùng theo tôi cần mở ra thí điểm, mở ra từ từ, mở ra có giới hạn và mở ra có trách nhiệm. Cần phải triển khai hết sức đồng bộ, có giám sát hết sức cụ thể. Thậm chí, cần có Ban chỉ đạo phát triển du lịch rừng phòng hộ để giám sát sát sao, đảm bảo vừa phát triển du lịch vừa bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường”.

Bạn đang đọc bài viết "Tham vấn chính sách phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, phòng hộ" tại chuyên mục Xã hội. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).